|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Mô hình giám sát tài chính chức năng là gì? Đặc điểm và nguyên tắc vận hành

16:55 | 05/06/2020
Chia sẻ
Mô hình giám sát tài chính chức năng là một trong bốn mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới.
Mô hình giám sát tài chính chức năng là gì? Đặc điểm và nguyên tắc vận hành - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Fundacionazierta)

Mô hình giám sát tài chính chức năng

Khái niệm

Mô hình giám sát tài chính chức năng là mô hình giám sát mà việc giám sát được xác định bởi hoạt động kinh doanh của các thực thể, không quan tâm đến hình thức pháp lí của các thực thể đó.

Đặc điểm

Điểm khác nhau giữa mô hình này với mô hình giám sát thể chế là ở chỗ, mỗi loại hoạt động kinh doanh có thể có một cơ quan giám sát riêng biệt, do đó một tổ chức có thể chịu sự giám sát của nhiều cơ quan khác nhau (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).

Nếu cung cấp dịch vụ trên càng nhiều lĩnh vực, tổ chức này sẽ càng chịu sự giám sát của nhiều cơ quan. Do đó, ở mô hình này, đòi hỏi có sự phân định rõ ràng trách nhiệm trong việc giám sát của các cơ quan tham gia giám sát đối với các hoạt động cụ thể như ngân hàng, chứng khoán hay bảo hiểm.

Với đặc điểm trên, mô hình giám sát chức năng thường được áp dụng tại các quốc gia có hệ thống tài chính phát triển, với sự ra đời của nhiều sản phẩm tài chính phức tạp, kết hợp nhiều lĩnh vực (như ngân hàng - bảo hiểm, chứng khoán - bảo hiểm hay ngân hàng - chứng khoán…).

Hầu hết các nước thuộc mô hình giám sát chức năng (như Pháp, Italia) đều có hệ thống luật giám sát chặt chẽ dựa trên cơ sở 3 nhóm luật chính, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính của quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của khu vực tài chính, đó là:

(i) Luật ngân hàng với chức năng giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng;

(ii) Luật tài chính với chức năng giám sát các hoạt động liên quan đến tài chính, chứng khoán; và

(iii) Luật bảo hiểm với chức năng giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát còn được hỗ trợ bởi các luật khác nhằm hỗ trợ việc giám sát tài chính như Luật doanh nghiệp, Luật cạnh tranh, Luật thương mại... Đối với hoạt động ngân hàng, NHTW thường được chỉ định là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát.

Nguyên tắc vận hành

Mô hình này được vận hành trên 3 nguyên tắc:

(i) Có sự phân định rõ ràng trách nhiệm trong việc giám sát của các cơ quan tham gia giám sát đối với các hoạt động cụ thể như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm;

(ii) Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan giám sát nhằm đảm bảo cho việc giám sát được hiệu quả do việc giám sát tài chính được phân công cho các cơ quan khác nhau;

(iii) Các cơ quan giám sát có toàn quyền trong việc thực thi giám sát trong lĩnh vực của mình, từ việc cấp phép đến việc xử lí hành chính các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, mô hình giám sát theo chức năng thường phù hợp với những thị trường tài chính phát triển khá thống nhất; phạm vi hoạt động của các định chế tài chính đa dạng; có sự kết hợp giữa các loại hình dịch vụ tài chính; đặc biệt năng lực giám sát, hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát phải tốt.

(Tài liệu tham khảo: Các mô hình giám sát tài chính phổ biến trên thế giới và liên hệ với Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Hòa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2018)

Tuyết Nhi