Hệ số chi phí biến đổi (Variable Cost Ratio) là gì? Cách tính hệ số chi phí biến đổi
Hệ số chi phí biến đổi
Khái niệm
Hệ số chi phí biến đổi trong tiếng Anh là Variable Cost Ratio.
Hệ số chi phí biến đổi là sự tính toán giữa chi phí và doanh thu mang lại khi tăng sản xuất. Việc tính toán hệ số chi phí biến đổi cho phép một công ty cân đối, nhắm đến sự cân bằng tối ưu.
Việc sản xuất hàng hóa bao gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi:
Nói chung, tăng sản xuất là cách để sử dụng hiệu quả hơn các chi phí cố định. Nếu sản xuất 1.000 sản phẩm có chi phí cố định tương đương với sản xuất 100 sản phẩm, chi phí cố định cho mỗi sản phẩm sẽ giảm khi sản xuất tăng. Chi phí biến đổi, chẳng hạn như mua nguyên liệu, tỉ lệ thuận với sự gia tăng trong sản xuất. Bạn không thể tạo ra 1.000 sản phẩm với cùng chi phí như 100 sản phẩm. Hệ số chi phí biến đổi cho biết khi chi phí biến đổi của việc tăng sản xuất vượt quá lợi ích.
Hiểu về hệ số chi phí biến đổi
Công thức tính hệ số chi phí biến đổi là:
Hệ số chi phí biến đổi = Chi phí biến đổi / Doanh thu thuần
Hoặc, có thể được tính bằng (1 - số dư đảm phí).
Kết quả cho biết liệu một công ty đang đạt được số dư mong muốn mà tại đó doanh thu tăng nhanh hơn chi phí hay không.
Hệ số chi phí biến đổi định lượng mối quan hệ giữa doanh thu của công ty và chi phí sản xuất cụ thể liên quan đến các doanh thu đó. Đây là một thước đo đánh giá hữu ích cho nhà quản lí trong việc xác định biên lợi nhuận tối thiểu hay điểm hòa vốn, lập dự báo lợi nhuận và xác định giá bán tối ưu cho các sản phẩm của công ty.
Chi phí cố định cao có nghĩa là tỉ lệ thấp hơn
Các công ty có chi phí cố định cao sẽ có tỉ lệ thấp hơn. Nghĩa là họ phải tăng doanh thu để có thể chi trả cho chi phí cố định. Nếu một công ty có chi phí biến đổi cao cùng với doanh thu thuần, thì có thể công ty không có nhiều chi phí cố định và có thể duy trì lợi nhuận với số lượng hàng bán tương đối thấp.
Việc tính toán chi phí biến đổi có thể được thực hiện trên cơ sở mỗi đơn vị, chẳng hạn như chi phí biến đổi 10 đô la cho một đơn vị có giá bán là 100 đô la. Hệ số chi phí biến đổi là 0,1 hoặc 10%. Hoặc, có thể được thực hiện bằng cách sử dụng tổng số trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn như tổng chi phí biến đổi hàng tháng là 1.000 đô la với tổng doanh thu hàng tháng là 10.000 đô la, cũng đưa ra hệ số chi phí biến đổi là 0,1 hoặc 10%.
Chi phí biến đổi và chi phí cố định
Chi phí biến đổi luôn thay đổi tỉ lệ thuận với mức độ sản xuất. Ví dụ là các chi phí của nguyên liệu thô, bao bì và vận chuyển. Những chi phí này tăng lên khi sản xuất tăng và giảm khi sản xuất giảm.
Chi phí cố định không thay đổi khi khối lượng sản xuất tăng đến một mức nhất định. Ví dụ, chi phí cố định bao gồm tiền thuê cơ sở hoặc chi phí thế chấp. Chi phí cố định chỉ thay đổi đáng kể do kết quả của các quyết định và hành động của ban quản lí.
Số dư đảm phí là chênh lệch giữa tổng doanh thu bán hàng và tổng chi phí biến đổi.
(Theo Investopedia)