Hàng hóa cần đến lòng tin (Credence Good) là gì? Các vấn đề tiêu cực
Hàng hóa cần đến lòng tin
Khái niệm
Hàng hóa cần đến lòng tin trong tiếng Anh là Credence Good.
Hàng hóa cần đến lòng tin là một loại hàng hóa có phẩm chất mà người tiêu dùng không thể quan sát được sau khi mua, gây khó khăn cho việc đánh giá tiện ích của nó.
Một số ví dụ điển hình của hàng hóa cần đến lòng tin là các dịch vụ chuyên môn như thủ thuật y khoa, sửa chữa ô tô và thực phẩm dinh dưỡng bổ sung (dietary supplements).
Hàng hóa cần đến lòng tin trên thực tế không có tác dụng như mong đợi, ngược lại có thể có những hậu quả bất lợi, từ tổn thất tài chính đến làm hại sức khỏe và thậm chí tử vong.
Hàng hóa cần đến lòng tin thường thể hiện mối quan hệ trực tiếp giữa giá cả và nhu cầu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng giá trở thành yếu tố quyết định cho chất lượng. Và các sản phẩm rẻ hơn thì đôi khi bị nghi ngờ là kém chất lượng và bị người tiêu dùng bỏ qua.
Chẳng hạn, một thực khách trong nhà hàng có thể bỏ qua món bít tết rẻ nhất trong thực đơn để chọn một món đắt hơn. Sau khi ăn nó, khách hàng vẫn sẽ không thể đánh giá giá trị tương đối của bít tết họ chọn so với các loại bít tết khác trên thực đơn mà họ chưa thử.
Các vấn đề về hàng hóa cần đến lòng tin
Thông thường, thông tin về hàng hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị của nó.
Chẳng hạn, người tiêu dùng càng biết nhiều về chất lượng và đặc thù bẩm sinh của hàng hóa, người đó càng có thể xác định giá trị của nó tốt hơn.
Tuy nhiên, hàng hóa cần đến lòng tin lại có sự bất cân xứng thông tin.
Sự bất cân xứng giữa thông tin mà người mua và người bán được biết trong thị trường hàng hóa cần đến lòng tin, có thể tạo ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng.
Giả sử, một người lái xe mô tô mang chiếc xe máy của anh ta đến một người thợ để sửa chữa.
Người thợ với tư cách là một chuyên gia bán hàng, có thể có lí do để lừa dối khách hàng trên hai phương diện.
Đầu tiên, việc sửa chữa có thể không hiệu quả. Người thợ có thể thay thế nhiều bộ phận hơn thực tế mà chiếc xe cần để có thể chạy lại (và tính phí cho các bộ phận bổ sung đó và công sửa). Đây là trường hợp được gọi là xử lí thái quá (overtreatment), vì lợi ích thêm vào cho người tiêu dùng nhỏ hơn giá trị tăng thêm. Việc sửa chữa của người thợ cũng có thể không đến nơi đến chốn, do đó khiến khách hàng phải trả tiền nhưng xe máy vẫn không thể đi được. Lúc này, tình huống này được gọi là xử lí non tay (undertreatment) vì bất kì vật liệu nào và thời gian dành cho việc sửa chữa đều không có tác dụng.
Thứ hai, việc sữa chữa có thể thỏa đáng, nhưng người thợ có thể tính phí cho khách hàng nhiều hơn những gì anh ta đã làm (chẳng hạn, nói là đã thay đổi bộ lọc dầu mà không làm như vậy). Tình huống này được gọi là hét giá/chém giá (overcharging).
Một ví dụ khác trong ngành chăm sóc sức khỏe. Có hai khía cạnh nằm trong ngành này là: dịch vụ hoặc thái độ của bác sĩ; và khía cạnh kĩ thuật bao gồm các đánh giá và đơn thuốc y khoa.
Phần lớn bệnh nhân có nhận thức và có thể đánh giá các bác sĩ trong khía cạnh đầu tiên, nhưng họ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc đánh giá hoặc định lượng khía cạnh thứ hai vì nó đòi hỏi kiến thức chuyên môn về các phương pháp và thủ thuật về y khoa. Bệnh nhân chủ yếu sẽ gặp khó khăn khi tranh luận về đơn thuốc của bác sĩ mà không có sự hỗ trợ chuyên môn.
(Theo Investopedia)