|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá trị phi sử dụng (Non-use value) của tài nguyên môi trường là gì?

14:33 | 10/12/2019
Chia sẻ
Giá trị phi sử dụng (tiếng Anh: Non-use value) của tài nguyên môi trường là giá trị không gắn liền với việc trực tiếp hay gián tiếp sử dụng một hàng hoá dịch vụ môi trường.
gia-tri-cua-rung

Hình minh hoạ (Nguồn: socialforestry)

Giá trị phi sử dụng của tài nguyên môi trường

Khái niệm

Giá trị phi sử dụng hay giá trị không sử dụng trong tiếng Anh được gọi là Non-use value.

Giá trị phi sử dụng của tài nguyên môi trường là giá trị không gắn liền với việc trực tiếp hay gián tiếp sử dụng một hàng hoá dịch vụ môi trường.

Giá trị này có được trong trường hợp cá nhân có thể không sử dụng hàng hoá dịch vụ đó, nhưng cá nhân đó vẫn nhận thức rằng mình có được lợi ích (hay sự thoả mãn) khi biết được hàng hoá dịch vụ này đang tồn tại, đang được người khác sử dụng, hoặc các thế hệ tương lai, con cháu của cá nhân đó có thể sử dụng hàng hoá dịch vụ này. 

Từ việc nhận thức mình có được lợi ích đó, cá nhân đó sẵn lòng trả tiền cho hàng hoá dịch vụ môi trường này.

Các thành phần của giá trị phi sử dụng

Giá trị phi sử dụng được chia làm 3 thành phần, gồm có giá trị cơ hội, giá trị thừa kế, và giá trị tồn tại.

- Giá trị cơ hội (OV – Opportunity Value): Là giá trị gắn liền với cơ hội sử dụng (trực tiếp và gián tiếp) hàng hóa, dịch vụ môi trường trong tương lai. 

Giá trị cơ hội này phát sinh từ sự không chắc chắn về cung và cầu của một loại tài nguyên nào đó. Loại giá trị này bao hàm lợi ích của hành vi ngăn ngừa rủi ro để đối phó với tình trạng không chắc chắn.

Ví dụ: Với khu rừng nhiệt đới A. Ta xét giá trị cơ hội của khu rừng này. Giá trị cơ hội của khu rừng này thể hiện ở việc chúng ta có thể sử dụng các giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp từ khu rừng này trong tương lai.

Để dễ hiểu, ta xét tình huống giá trị cơ hội ở dạng giá trị sử dụng trực tiếp (gỗ) trong tương lai:

Một người đàn ông được giao một diện tích để trồng rừng sản xuất là 20 ha trong khu rừng nhiệt đới A. 

Ông ta bắt đầu trồng mới cây rừng (lấy gỗ) trên diện tích được giao này. Giả sử lúc này ông ta 35 tuổi, và cây rừng khoảng 20 năm thì có thể khai thác được. 

Như vậy, hiện tại, ông ta chưa nhận được giá trị gì (hay là không sử dụng được giá trị gì) từ diện tích rừng này vì cây rừng mới trồng. 

Nhưng điều mà ông ta mong đợi là khoảng 20 năm sau, ông ta có thể nhận được giá trị từ khu rừng này. Nghĩa là trong tương lai, ông ta sẽ có cơ hội khai thác được cây rừng do mình trồng và nhận được giá trị từ chúng. Đây chính là giá trị cơ hội.

Chú ý: Giá trị cơ hội là giá trị sử dụng trong tương lai, do đó giá trị cơ hội cũng có thể xem như thuộc nhóm giá trị sử dụng.

- Giá trị thừa kế, di sản (giá trị lưu truyền) (BV – Bequest Value): là giá trị sử dụng và phi sử dụng cho thế hệ tương lai. Hay nói cách khác, là giá trị mà trong hiện tại con người có thể không sử dụng (do một số điều kiện như tuổi già), nhưng họ có thể để lại các giá trị này cho thế hệ tương lai, con cháu của họ.

- Giá trị tồn tại (EV – Existence Value): Là giá trị gắn liền với việc bảo vệ sự tồn tại một tài nguyên môi trường nào đó, nhưng không được sử dụng ở hiện tại và trong tương lai. 

Điều này có nghĩa là một cá nhân có thể không sử dụng hàng hóa dịch vụ môi trường, nhưng cá nhân đó nhận thức rằng mình có được lợi ích (sự hài lòng, thoả mãn) từ việc trả tiền cho sự tồn tại của hàng hóa dịch vụ môi trường đó. 

Vậy lợi ích này (hay là sự hài lòng, thoả mãn) ở dạng nào? Cá nhân đó hài lòng vì biết được hàng hoá dịch vụ này đang được người khác sử dụng, tận hưởng, hoặc nó đang được giữ gìn, bảo tồn cho thế hệ tương lai, con cháu của cá nhân đó. 

Do việc nhận thức bản thân có lợi ích (được hài lòng, được thoả mãn) thì người ta sẵn lòng trả tiền cho sự tồn tại của hàng hoá dịch vụ đó.

Ví dụ: Tiếp tục với khu rừng A. Giả sử ở trong khu rừng này có loài Sao La đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. 

Do đó, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo tồn loài động vật quí hiếm này. Như vậy, giá trị tồn tại được biểu hiện qua sự tiếp tục tồn tại của loài Sao La.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế Huế)

Diệu Nhi