|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giá trị sử dụng (Use value) của tài nguyên môi trường là gì?

14:17 | 10/12/2019
Chia sẻ
Giá trị sử dụng (Use value) của tài nguyên môi trường là giá trị của từng hàng hóa dịch vụ môi trường mang lại cho người sản xuất hay người tiêu dùng khi trực tiếp hay gián tiếp sử dụng hoặc hưởng thụ nó.
Earth

Hình minh hoạ (Nguồn: coldlinkafrica)

Giá trị sử dụng của tài nguyên môi trường

Khái niệm

Giá trị sử dụng trong tiếng Anh được gọi là Use value.

Giá trị sử dụng của tài nguyên môi trường là giá trị của từng hàng hóa dịch vụ môi trường mang lại cho người sản xuất hay người tiêu dùng khi trực tiếp hay gián tiếp sử dụng hoặc hưởng thụ nó.

Các thành phần của giá trị sử dụng

Giá trị sử dụng được chia làm hai thành phần, bao gồm giá trị sử dụng trực tiếp và giá trị sử dụng gián tiếp.

- Giá trị sử dụng trực tiếp (DV - Direct use Value): là giá trị có được xuất phát từ việc sử dụng trực tiếp hàng hoá dịch vụ do thiên nhiên cung cấp.

Ví dụ: Xét giá trị từ khu rừng nhiệt đới A. Các giá trị sử dụng trực tiếp từ khu rừng này gồm có:

+ Các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm phi gỗ (mây, tre, song, nứa, ...) 

+ Giá trị vui chơi giải trí

+ Thuốc chữa bệnh

+ Các giá trị về di truyền

+ Môi trường sống cho con người

Các cá nhân sử dụng trực tiếp các hàng hoá dịch vụ từ rừng và nhận được lợi ích (giá trị sử dụng trực tiếp) từ các hàng hoá dịch vụ này.

- Giá trị sử dụng gián tiếp (IV – Indirect use Value): là giá trị xuất phát từ việc sử dụng gián tiếp hàng hoá dịch vụ do thiên nhiên cung cấp. Hay nói cách khác, là việc sử dụng các chức năng sinh thái của thiên nhiên.

Ví dụ: Tiếp tục với khu rừng nhiệt đới A (ở ví dụ trên). Khu rừng này cung cấp các giá trị sử dụng gián tiếp cho con người, gồm có:

+ Điều hoà khí hậu của một vùng và lưu trữ cácbon, từ đó người dân ở đây được sống trong một bầu không khí trong lành nhờ vào khả năng hấp thụ khí CO2 của cây rừng.

+ Giảm ô nhiễm không khí ở các vùng xung quanh do hệ thống tán lá cây rừng giữ lại một phần các đám bụi trong không khí.

+ Bảo vệ lưu vực sông ở các khu vực có rừng, hạn chế xói mòn, rửa trôi.

+ Cung cấp chuỗi thức ăn cho con người, cho các loài động vật trong rừng.

+ Tạo ra sự đa dạng sinh học (đa dạng gen, loài, hệ sinh thái).

Như vậy, ở đây các cá nhân nhận được lợi ích từ việc sử dụng gián tiếp các dịch vụ từ rừng.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế môi trường, Đại học Kinh tế Huế)

Diệu Nhi