|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Dự phòng bồi thường (Claims Reserve) là gì? Các phương pháp xác định dự phòng bồi thường

10:02 | 13/01/2020
Chia sẻ
Dự phòng bồi thường (tiếng Anh: Claims Reserve) được trích lập xuất phát từ sự sai lệch giữa thời điểm xảy ra tổn thất và thời điểm thanh toán bồi thường được thực hiện.
Dự phòng bồi thường (Claims Reserve) là gì? Các phương pháp xác định dự phòng bồi thường - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: snapseed.exe)

Dự phòng bồi thường

Khái niệm

Dự phòng bồi thường hay quĩ dự phòng bồi thường trong tiếng Anh là Claims Reserve.

Dự phòng bồi thường là phần phí bảo hiểm được trích lập để dự trữ đảm bảo việc thanh toán cho những tổn thất thuộc các loại:

• Tổn thất đã xảy ra, đã xác định thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng chưa giải quyết chi trả

• Tổn thất đã xảy ra nhưng chưa xác định được trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm hay không

• Tổn thất đã xảy ra nhưng doanh nghiệp bảo hiểm chưa biết

Như vậy, việc trích lập dự phòng bồi thường chính là do sự sai lệch giữa thời điểm xảy ra tổn thất và thời điểm thanh toán bồi thường được thực hiện.

Các phương pháp xác định dự phòng bồi thường

Có rất nhiều phương pháp khác nhau để tính dự phòng bồi thường đối với doanh nghiệp bảo hiểm tùy theo lập dự phòng cho tổn thất đã được khiếu nại hay chưa được khiếu nại. 

Phương pháp kiểm tra hồ sơ:

Theo phương pháp này, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra tất cả các hồ sơ tổn thất, đánh giá từng hồ sơ về chi phí bồi thường và phí bảo hiểm. Sau đó liệt kê tổn thất theo thể loại và năm xảy ra.

Từ đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có được số liệu về tổn thất chưa được bồi thường cộng thêm chi phí quản lí để lập dự phòng thanh toán cho các tổn thất.

Phương pháp chi phí trung bình:

Theo phương pháp này, doanh nghiệp bảo hiểm lấy tổng tiền đã trả cho các tổn thất theo niên độ xảy ra sự việc cộng với phần đánh giá các tổn thất còn phải trả, tất cả chia cho số lượng tổn thất để tính được chi phí bồi thường trung bình.

Phương pháp nhịp độ bồi thường:

Theo phương pháp này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thấy rõ chu kì thanh toán tổn thất theo thời gian đối với mỗi nghiệp vụ bảo hiểm thông qua kết quả thống kê.

Qua đó xác định được tỉ lệ phần trăm số tiền bồi thường của năm thứ nhất và các năm tiếp theo trong một quãng thời gian nhất định. Trên cơ sở đó đánh giá được số tiền chưa trả vào cuối mỗi niên độ trong khoảng thời gian đó.

Qui định lập dự phòng bồi thường ở Việt Nam:

- Trích lập dự phòng bồi thường theo hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường

Theo phương pháp này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập hai loại dự phòng:

• Dự phòng bồi thường cho các yêu cầu đòi bồi thường chưa được giải quyết: được trích lập cho từng nghiệp vụ bảo hiểm theo phương pháp ước tính số tiền bồi thường cho từng vụ tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm đã thông báo hoặc đã yêu cầu đòi bồi thường doanh nghiệp nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.

• Dự phòng bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm của bảo hiểm nhưng chưa thông báo hoặc yêu cầu đòi bồi thường. Thời gian chậm đòi yêu cầu bồi thường bình quân là thời gian bình quân từ khi tổn thất xảy ra tới khi doanh nghiệp bảo hiểm thông báo tổn thất hoặc hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường (tính bằng ngày)

- Trích lập dự phòng bồi thường theo hệ số phát sinh bồi thường 

Phương pháp này được áp dụng để trích lập dự phòng bồi thường cho từng nghiệp vụ bảo hiểm dựa trên nguyên lí sử dụng số liệu bồi thường quá khứ để tính toán các hệ số bồi thường nhằm dự toán số tiền doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường trong tương lai.

Về bản chất, phương pháp này tương tự như phương pháp nhịp độ bồi thường.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, NXB ĐH Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng