|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đấu thầu công bằng (Fair Bidding) là gì?

23:19 | 12/10/2019
Chia sẻ
Đấu thầu công bằng (tiếng Anh: Fair Bidding) là một nguyên tắc trong hoạt động đấu thầu.
apples-to-apples-making-cost-benefit-comparisons-in-climate-policy

Đấu thầu công bằng (Fair Bidding) (Nguồn: iStock)

Đấu thầu công bằng (Fair Bidding)

Đấu thầu công bằng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Fair Bidding.

Đấu thầu công bằng được hiểu là việc tất cả các nhà thầu khi cùng tham gia đấu thầu thì được hưởng những quyền lợi như nhau và phải có các nghĩa vụ như nhau.

Một trong những phương thức quan trọng mà bên mời thầu sử dụng để đảm bảo quyền lợi của nhà thầu là cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết vào cùng một thời điểm cho tất cả các nhà thầu. Các nhà thầu có mức độ đáp ứng như nhau thì được đánh giá bằng nhau và không có bất kì sự ưu tiên hay ngoại lệ nào.

Thực trạng đấu thầu công bằng

Trên thực tế, có những trường hợp một nhóm nhà thầu nào đó được ưu đãi hơn so với các nhà thầu khác. Ví dụ, trong đấu thầu quốc tế có sự tham gia của các nhà thầu trong và ngoài nước thì các nhà thầu trong nước sẽ được ưu đãi hơn. Nhà thầu trong nước được ưu đãi hơn nhà thầu quốc tế không có nghĩa là nhà thầu trong nước chắc chắn trúng thầu.

Có những quan điểm khác nhau liên quan đến việc ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng không nên cho nhà thầu trong nước được hưởng ưu đãi vì như vậy có thể làm giảm hiệu quả kinh tế của đấu thầu, bất kể nhà thầu nào dù là trong nước hay quốc tế nếu đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu với gia thấp nhất thì sẽ được lựa chọn.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng rất cần ưu đãi cho nhà thầu trong nước vì nguồn tiền sử dụng cho đấu thầu là nguồn tiền của nhà nước do nhà nước quản lí, trong đó có một phần đóng góp của nhà thầu trong nước.

Ngoài ra, mục đích của ưu đãi là nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà thầu trong nươcs có khả năng trúng thầu, góp phần nâng cao được trình độ chuyên môn cũng như năng lực tài chính của nhà thầu, tạo thêm việc làm cho lao động trong nước. Đây chính là một trong các biện pháp nhằm đảm bảo hiệu quả xã hội của đấu thầu.

Như vậy, có thể thấy rằng việc dành các điều kiện ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tổ chức đấu thầu quốc tế là rất dễ hiểu và được nhiều quốc gia áp dụng. Vậy đối với đấu thầu trong nước, việc ưu đãi hay không tùy vào quan điểm của từng quốc gia và nhà tài trợ.

Căn cứ vào các yếu tố cụ thể về kinh tế xã hội của vùng, của quốc gia mà các chính phủ, các nhà tài trợ có thể quyết định các điều kiện ưu đãi. Một trong số những điều kiện được hưởng ưu đãi đối với các nhà thầu là có tỉ lệ lao động nữ cao hơn một mức nào đó, hoặc nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập hoặc là nhà thầu địa phương...

Đối với những nhu cầu mua sắm có qui mô nhỏ và tính chất kĩ thuật đơn giản, để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ phát triển, các quốc gia có thể đưa ra những qui định nhằm hạn chế các doanh nghiệp lớn tham gia. Đó cũng có thể coi là một trong những biện pháp giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển bền vững. (Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Khai Hoan Chu