|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đại diện doanh nghiệp đề nghị giảm lãi suất 1-2 điểm % từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng

21:08 | 21/09/2023
Chia sẻ
Trong Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp đã nêu mong muốn các tổ chức tín dụng sẽ linh hoạt hợm, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Một ý kiến cho rằng ngân hàng cần giảm lãi suất trực tiếp 1-2 điểm % từ nguồn lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hà Nội. (Ảnh: VGP/HT).

Kỳ vọng các TCTD linh hoạt hơn để DN tiếp cận vốn ưu đãi

Tại Hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất sản phẩm chủ lực (HAMI) đề nghị cần giảm lãi suất trực tiếp 1-2 điểm % từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh. Các ngân hàng như Vietcombank, BIDV cần tiên phong trong vấn đề này, giảm lãi ngay thời điểm khó khăn trên toàn hệ thống kể cả khi doanh nghiệp chưa gửi văn bản đề nghị. 

Ông Sơn cũng phản ánh tình trạng còn nhiều thủ tục rườm rà trong tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.

Với khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung dài hạn trung bình duyệt trong vòng 3 tháng thậm chí có những khoản vay tới 6 tháng hoặc dài hơn. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố góp phần khiến doanh nghiệp càng khó khăn, đặc biệt với các đơn vị sử dụng đòn bẩy tài chính cao. 

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội cho rằng, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đa số các doanh nghiệp lớn, mạnh được thụ hưởng, trong khi nhiều DNNVV gặp khó khăn về dòng tiền, tài chính, là đối tượng cần nhất thì lại ít được tiếp cận.

"Thực tế với nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng không hề khó, có doanh nghiệp được 5-7 ngân hàng mời chào, cạnh tranh hạ lãi suất và coi là 'khách quý'", bà cho biết.

"Các đối tượng khó khăn chủ yếu là các DNNVV bị yêu cầu thủ tục hồ sơ nhiều hơn. Do đó, các DNNVV mong các ngân hàng tạo điều kiện thông thoáng như với các doanh nghiệp lớn lớn", bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng đề nghị cần sớm sửa các quy định về hỗ trợ DNNVV vì các quỹ bảo lãnh, hỗ trợ chưa hiệu quả. Các quỹ đôi khi có điều kiện vay cao hơn, khó hơn cả ngân hàng thì doanh nghiệp khó tiếp cận, không có tác dụng nhiều.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa (đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực điện dân dụng, điều hòa...) đánh giá cao một số ngân hàng nhiều lần hạ lãi suất. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất, giảm các phí dịch vụ liên quan, để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn khi sức mua giảm. 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/HT).

Sau khi lắng nghe các ý kiến, lãnh đạo NHNN khẳng định, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.

"Tất nhiên, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng ngân hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng kỳ vọng doanh nghiệp minh bạch trong tài chính, dòng tiền để tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn cho vay. Về vấn đề phí trả nợ trước hạn, đại diện TCTD cho biết sẽ tiếp tục quan tâm tới hỗ trợ doanh nghiệp, có giải pháp hỗ trợ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Trong Hội nghị, NHNN cũng cho biết tính đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8. Theo NHNN, dù đã trải qua 2/3 năm nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 1/3 mục tiêu.

Hà Nội có thể được coi là điểm sáng về tăng trưởng tín dụng khi tính đến cuối tháng 8, dư nợ trên địa bàn thành phố ước đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối năm 2022, cao hơn mức tăng của cả nước (5,33%) và của Đồng bằng sông Hồng (8,35%).

 

Minh Quang