Đâu là những lợi thế giúp thị trường game Việt hướng đến cột mốc tỷ USD?
Những bước tiến của game Việt
Chia sẻ tại Ngày hội game Việt Nam 2024 diễn ra sáng 11/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), cho biết trong năm qua ngành game đã ghi nhận được một số kết quả tích cực.
Đầu tiên là việc thay đổi định kiến của xã hội về ngành game, ông cho biết đơn vị đã có những chiến dịch truyền thông để cho thấy game không phải là chỉ chơi game, nghiện game mà game còn là niềm tự hào của eSports khi đem về vinh quang cho Việt Nam như SeAGame. Game là một ngành công nghiệp tạo ra những giá trị, phụ huynh nên hướng con mình học và làm về game như lập trình game, đồ hoạ về game để tạo nên những startup, nhân lực cho ngành.
"Chúng tôi có những biện pháp hiệu quả để hạn chế mặt trái của game, những chiến dịch, đóng góp nhỏ đã nhận được kết quả tốt cho đến thời điểm hiện nay", ông Tự Do cho biết.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng một số nền tảng quan trọng, trước hết đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thị trường game Việt cần có lực lượng chính quy về kỹ sư để đáp ứng và phát triển cho ngành.
Tiếp đó, Liên minh game đã thuyết phục được chính phủ chưa đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, cho các cơ quan quản lý thấy rằng ngành game là ngành cần bồi dưỡng, nhận được ưu đãi để phát triển đúng với kỳ vọng, tiềm lực của ngành. "Chúng tôi còn được Chính phủ giao tạo nên một chiến lược phát triển ngành game với những ưu đãi khác.", ông cho biết.
Ông cũng cho hay trong thời gian qua Bộ TT&TT đã kết nối trong và ngoài để doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng thị trường Việt Nam là một thị trường tiềm năng, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, sự hô hào.
Cách đây một năm cũng tại sự kiện này, ông Lê Quang Tự Do đã từng chia sẻ về mục tiêu doanh thu ngành game trong 5 năm tới sẽ tăng lên con số 1 tỷ USD. Tại sự kiện năm nay ông đánh giá: "Chúng ta đang ở trong những bước đầu tiên trong hành trình này. Nhưng bước đầu tiên chúng ta đã bước qua rồi. Chúng ta cần tăng tốc hơn nữa trên hành trình đó".
Đại diện cho Google tại sự kiện, bà Emily Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại thị trường Việt Nam, cũng chỉ ra những lợi thế sẽ giúp ngành game Việt tăng tốc trong thời gian tới.
"Game Việt đạt Top 5 lượt tải toàn thế giới, là quốc gia lập trình xếp thứ hạng cao trên thế giới, có hơn 35.000 nhà lập trình game, xấp xỉ các quốc gia lớn như Trung Quốc. Đội ngũ lập trình game tại Việt Nam trẻ, khả năng kỹ thuật cao, có trình độ cao trong các bộ môn như phân tích toán học, lập trình...", bà Emily cho hay.
Bà cũng nhắc tới một lợi thế khác của Việt Nam là giá để phát hành một game không quá cao khi chi phí nhân công khá cạnh tranh. Bên cạnh đó, các công ty game Việt có khả năng nắm bắt xu hướng tốt, cho ra những game theo nhu cầu thị trường.
Tại sự kiện, một số bên đã thực hiện ký kết hợp tác về phát triển thị trường game tại Việt Nam. Cụ thể như sự hợp tác giữa Roblox, nền tảng trò chơi trực tuyến của Mỹ, và VNGGames trong xu hướng phát triển game UGC (Nội dung do người dùng tạo ra). VNGGames là đối tác phát hành đầu tiên của Roblox tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Tiềm năng của thị trường game Việt
Thông tin tại sự kiện, nghiên cứu của VNGGames đánh giá Việt Nam là thị trường có lợi thế để phát triển thị trường game.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đạt quy mô dân số 100 triệu dân, trở thành 1 trong 15 quốc gia có dân số lớn nhất thế với, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. Cơ cấu dân số của Việt Nam đóng góp đáng kể vào tiềm năng trở thành thị trường trò chơi UGC phát triển mạnh.
Hiện tại, tỷ lệ người độ tuổi từ 15-45 chiếm 62%, như vậy với quy mô 100 triệu dân, số người có khả năng lao động, khả năng chi tiêu và tham gia vào các loại hình dịch vụ giải trí, đời sống tương ứng là 62%. Đây là dư địa lớn về lao động do cơ cấu dân số vàng mang lại, tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế nhanh.
Có 78,44 triệu người dùng Internet tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2024. Và tỷ lệ thâm nhập internet của Việt Nam đứng ở mức 79,1% tổng dân số vào đầu năm 2024. Phân tích của Kepios chỉ ra rằng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng 502 nghìn người (+0,6%) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2024.
Đối với nhóm người dùng trực tuyến có độ tuổi từ 16 đến 64, phần lớn sở hữu smartphone (97,4%) và sử dụng điện thoại di động (98,9%) để truy cập Internet. Trong khi đó, 55,4% sở hữu laptop hoặc máy tính PC và 27% sở hữu máy tính bảng.
Thời gian trung bình mà người dùng dành để sử dụng Internet là 6 giờ 18 phút. Trong đó họ dành đến 1 giờ 17 phút để giải trí bằng trò chơi điện tử và 1 giờ 8 phút để nghe nhạc. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Internet và giải trí trực tuyến trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam bắt đầu thương mại hóa chính thức 5G, đây là một trong những điểm nhấn quan trọng sẽ làm gia tăng trải nghiệm người dùng với các tựa game.
Bên cạnh đó, Việt Nam xếp hạng thứ 5 ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu. Theo báo cáo Việt Nam đạt 69,04 điểm ở trụ cột Chính phủ (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi). Hai trụ cột còn lại gồm Công nghệ và Khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng, Việt Nam lần lượt đạt 37,82 và 56,58 điểm.