Chuyên gia IMF: Việt Nam gần như đã hết dư địa để hạ lãi suất
Bàn về câu chuyện điều hành chính sách tiền tệ tại Chuyên đề 1: ‘’Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó’’ thuộc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam khuyến nghị, NHNN cần hết sức cân nhắc trong việc hạ lãi suất bởi dư địa gần như đã không còn.
Phân tích kỹ hơn về khuyến nghị trên, ông Jochen Schmittmann cho biết, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục nới lỏng.
"Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam hiện đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá", chuyên gia IMF nói. Theo ông, điều hành vĩ mô phải đảm bảo phù hợp với hệ thống tài chính, tránh các rủi ro tiềm ẩn.
Cho rằng hạ lãi suất điều hành đã gần như hết dư địa khi NHNN đã 4 lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm nay, đồng thời, ông Jochen Schmittmann cũng nhấn mạnh, điều quan trọng hơn hết là cần tăng cường thực thi chính sách. Lãi suất giảm những không thẩm thấu được vào nền kinh tế cho thấy công tác thực thi không hiệu quả.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và giữ ở mức cao để kiềm chế lạm phát còn NHNN đã 4 lần hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng khiến tỷ giá chịu sức ép và đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Fed tăng lãi suất khiến chỉ số USD Index tăng cao hiện đã đạt gần 105 điểm, tăng khoảng 4% so với đầu năm.
Điều này khiến tỷ giá trung tâm VND/USD tăng lên mức 24.060 VND (ngày 19/9). Các chuyên gia lo ngại, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất vào cuộc họp tới đây sẽ khiến tỷ giá tiếp tục tăng cao, gây bất ổn đến kinh tế vĩ mô.
Nhất là với các chính sách tài khoá, đây phải yếu tố đi đầu trong nửa cuối năm bởi "Việt Nam còn rất nhiều dự địa để đẩy mạnh tài khoá nhờ vào các chính sách tài khoá thận trọng ngay từ đầu".
Các khoản giảm thuế có thể sẽ gây tác động đến thu ngân sách, vì vậy cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ông Jochen Schmittmann khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cả nước ngoài lẫn trong nước vào Việt Nam cả về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Cũng như, tăng cường các cơ chế để doanh nghiệp tự tái cơ cấu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các biện pháp giải quyết nợ mà không cần qua tòa án.
Điều quan trọng tiếp theo là phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư; để bảm đảm niềm tin cho các doanh nghiệp thì cần đầu tư vào điện, cơ sở hạ tầng, giảm thuế, chi phí doanh nghiệp,…Ngoài ra, cần thêm các nỗ lực để tăng cường khả năng quản trị, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia, đảm bảo sự nhất quán của pháp luật.
Kỳ vọng nền kinh tế sẽ bớt khó vào cuối năm
Phân tích thêm về yếu tố bên ngoài, chuyên gia IMF cho hay, dịch bệnh đã chấm dứt, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã quay về thời kỳ tiền COVID-19, giá năng lượng, giá lương thực đã giảm đáng kể, những quan ngại về cuộc sụp đổ các ngân hàng tại Mỹ và Thuỵ Sỹ đã đi qua.
Tuy nhiên, đà phát triển đang chậm lại, IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 3,5% của năm ngoái xuống còn 3% trong năm nay và năm sau. Lạm phát dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Vì vậy, có ba thách thức rất lớn từ bên ngoài mà Việt Nam cần vượt qua.
Đầu tiên là xu hướng mới trên thế giới là việc nhu cầu đang có sự chuyển dịch từ hàng hoá sang dịch vụ. Trong giai đoạn đại dịch, nhu cầu về hàng hoá thiết yếu rất cao tuy nhiên khi kết thúc đại dịch họ lại có nhu cầu về dịch vụ nhiều hơn, điển hình như du lịch.
Đây là lý do khiến, ngành sản xuất chế tạo, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy càng về cuối năm sẽ càng cân bằng nhưng vẫn ở mức tiêu cực.
Thách thức thứ hai theo chuyên gia từ IMF là việc nếu lạm phát duy trì ở mức cao thì các ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn. Điều này sẽ gây áp lực với tỷ giá VND và áp lực lên NHNN.
Thứ ba, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 3,7%, đầu tư cũng giảm thấp nhất trong 1 thập kỷ, những vấn đề về tài chính trong nước và những biến động trong thị trường bất động sản cũng đóng vai trò quan trọng.
Về tương lai, chuyên gia IMF đánh giá kinh tế Việt Nam có thể phục hồi trong nửa cuối năm nay song phải dựa trên yếu tố xuất khẩu hàng hoá phục hồi và các vấn đề của thị trường bất động sản trong nước được giải quyết.
"Dù vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường trong nước và thị trường lao động. Điểm tích cực là Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu dịch vụ tăng trong ngắn hạn", ông Jochen Schmittmann cho hay.