|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PGS.TS Trần Đình Thiên: Cần làm rõ nghịch lý 'tăng trưởng cao lạm phát thấp, lạm phát thấp nhưng lãi suất cao'

10:12 | 19/09/2023
Chia sẻ
PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng nền kinh tế tồn tại 4 nghịch lý, nếu nhận diện được những vấn đề này sẽ có thể đưa ra giải pháp trong bối cảnh khó khăn.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói về 4 nghịch lý của nền kinh tế và đề nghị nghiên cứu thấu đáo về những vấn đề này.  

"Nền kinh tế có những vấn đề khác thường, nếu nhận diện được những vấn đề này sẽ có cơ hội biến nguy thành cơ, ngược lại nếu không nhìn ra sẽ không thể tạo ra được những giải pháp khác thường", ông nói.

 PGS.TS. Trần Đình Thiên. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Nghịch lý đầu tiên là tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp. Nghịch lý thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chống chịu tốt nhưng "chậm lớn", "chậm trưởng thành".

“Hiếm có doanh nghiệp nước nào như doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu đựng lãi suất trường kỳ kéo dài 10-13%/ năm. Trong bối cảnh nhiều bất lợi, chi phí vốn cao, doanh nghiệp Việt Nam vẫn trụ vững được. Tuy nhiên vấn đề là doanh nghiệp Việt lại chậm lớn, tuổi thọ thấp”, ông nói.

 

Nghịch lý tiếp theo, theo PGS.TS Trần Đình Thiên là tình trạng đất nước thừa tiền nhưng thiếu vốn.

Thứ 4, khu vực TP HCM nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung là đầu tàu nhưng 10-15 năm qua tốc độ tăng trưởng của vùng này đang xuống thấp. Nguồn lực tư nhân cả nội địa và FDI vào khu vực này vẫn cao nhất cả nước nhưng tăng trưởng lại suy giảm. Ông đề nghị cần làm rõ vấn đề này.    

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.   

Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.

Ông cho rằng cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.            

Anh Đào