|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đánh giá sức chống chịu của doanh nghiệp, người lao động

08:59 | 19/09/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 tổ chức ngày 19/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh những điểm sáng của kinh tế 8 tháng đầu năm. Theo đó, nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh như Hải Phòng, Bắc Ninh, TP HCM.

Tuy nhiên bên cạnh đó nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm, tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng GDP trong hai quý còn lại của năm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, cả giai đoạn 2021- 2025 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng trong 8 tháng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm. chịu áp lực lớn từ bên ngoài.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm tiếp tục suy giảm, giảm 10% so với cùng kỳ, mức sâu nhất trong 12 năm trở lại đây.

Nhiều mặt hàng chủ lực như điện thoại, linh kiện điện tử, đồ gỗ, dệt may, da giày tiếp tục giảm sâu. Các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN vẫn giảm hoặc tăng chỉ ở mức rất thấp.

“Cầu thế giới giảm mạnh, chi phí logistic và các chi phí khác cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các nước khác. Đặc biệt là dệt may, nguy cơ thua cả Bangladesh khi họ tập trung tái cơ cấu toàn diện, xu hướng xanh hóa, trong khi đó Việt Nam chưa làm được như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngoài ra, thu hút FDI chưa bền vững, vốn đăng ký giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm, từ tháng 7 trở đi đã tăng trở lại nhờ số dự án từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên thu hút FDI vẫn gặp nhiều thách thức trong thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn. 

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp ba câu hỏi.

Một là, dự báo bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính khu vực, thế giới, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, 2024 và giai đoạn tiếp theo.

Hai là, thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức, nút thắt chủ yếu và năng lực chống chịu của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động hiện nay như thế nào, dự báo cho cả năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Ba là, năng lực nội sinh, động lực và giải pháp căn cơ nào nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tăng cường nội lực, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.   

Anh Đào