|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua 'đốt tiền' khó lường giữa Grab và Go-Viet ở Việt Nam

10:04 | 13/09/2018
Chia sẻ
Vừa vào Việt Nam, hãng Go-Viet chấp nhận "đốt tiền" để thu hút khách hàng và tài xế, mở rộng quy mô mạng lưới.
cuoc dua dot tien kho luong giua grab va go viet o viet nam Go-Viet chính thức 'ra quân' ở Hà Nội ngày 12/9 kèm ưu đãi lớn

Ứng dụng gọi xe Việt đuối sức ngay trên sân nhà

Sau sự rút lui của Uber khỏi Đông Nam Á vào đầu tháng 4 năm nay, Grab gần như nắm vị thế độc tôn tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam.

Các ứng dụng gọi xe Việt liên tiếp ra mắt, nhưng thể hiện tiếng nói khá yếu ớt trên chính địa bàn của họ.

Cuối năm 2017, hãng taxi truyền thống Mai Linh rầm rộ ra mắt ứng dụng xe ôm công nghệ Mai Linh Bike.

Đầu tháng 4/2018, chớp lấy thời cơ Uber rút lui, doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang chi 100 triệu USD mua lại ứng dụng gọi xe Vivu và sang tên đổi họ thành Vato, mang tham vọng trở thành một sàn thương mại điện tử hoàn chỉnh.

Skysoft - một công ty hoạt động trong mảng quản lý vận tải 10 năm tại thị trường Việt Nam - tung ra ứng dụng Xelo, sàn giao dịch vận tải hành khách hỗ trợ cả taxi truyền thống và công nghệ.

Ứng dụng tiếp theo nhập cuộc là Tnet, sản phẩm của giảng viên trường Đại học FPT cùng nhóm nghiên cứu.

Đầu tháng 6, Aber (cái tên gợi nhớ đến "gã khổng lồ" Uber) ra mắt và chỉ sau hai tháng tạm dừng hoạt động nhằm mục đích nâng cấp hệ thống.

Bên cạnh những cái tên này, sự xuất hiện của Fast Go cho thấy một điểm sáng đối với làng ứng dụng gọi xe Việt. Ra mắt từ giữa tháng 6, tin vui đến với Fast Go khi hãng nhận khoản đầu tư từ phía VinaCapital. Với định hướng tập trung vào thị trường khách du lịch và xe bốn bánh, ban lãnh đạo Fast Go tự tin tuyên bố hãng sẽ chiếm lĩnh 40% thị phần trong nước sau 2 năm.

Mặc dù vậy, nhìn chung các ứng dụng gọi xe Việt đều chưa tạo được tiếng vang và thu hút được sự tham gia của thị trường, hoặc vấp phải khó khăn trong vấn đề công nghệ.

Cuộc đấu tay đôi giữa hai "tay chơi ngoại" tại thị trường Việt Nam

Phải đến khi Go-Viet xuất hiện vào đầu tháng 8, thị trường gọi xe công nghệ Việt mới thực sự trở nên sôi động. Thị trường gọi xe trực tuyến ở Việt Nam trở thành "đấu trường" cho hai tay chơi ngoại: Grab và Go-Viet.

Với sự hậu thuẫn của "kỳ lân" Go-Jek từ Indonesia, tuy chỉ mới xuất hiện khoảng một tháng, nhưng Go-Viet nhanh chóng trở thành một đối thủ có thể đấu tay đôi với Grab.

cuoc dua dot tien kho luong giua grab va go viet o viet nam

Cuộc cạnh tranh mới giữa Grab và Go-Viet tại thị trường Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, Go-Viet mới chỉ nhắm đến đối tượng xe hai bánh. Nền tảng công nghệ của ứng dụng Go-Viet thực tế cũng chưa nổi trội, hệ thống định vị và xác định hành trình của tài xế chưa thật sự chính xác.

Nhưng nhờ sức mạnh tài chính, Go-Viet “ghi điểm” khi thể hiện quyết tâm "đốt tiền" cho các chương trình khuyến mãi khủng và mức chiết khấu thấp cho tài xế.

Với các chương trình khuyến mãi khủng, khách hàng bắt đầu chú ý đến sắc đỏ của Go-Viet. Nhiều tài xế cũ của Uber sau sáp nhập với Grab nay lại quyết định đầu quân cho hãng. Trước động thái của Go-Viet, Grab đáp lại bằng các chương trình khuyến mãi và chính sách ưu đãi hơn dành cho tài xế.

Động lực thúc đẩy doanh nghiệp "quăng tiền" vào cuộc chơi?

Sự cạnh tranh giữa Go-Viet và Grab cho thấy nỗ lực cạnh tranh giành thị phần giữa các hãng xe công nghệ thể hiện rõ qua việc "đốt tiền" vào các chương trình khuyến mãi khủng cho khách hàng và mức chiết khấu ưu đãi cho tài xế.

Vậy lý do khiến các doanh nghiệp sẵn sàng "đốt tiền" là gì?

Cuốn sách "Cuộc cách mạng nền tảng" đưa ra bản phác thảo vòng lặp của David Sacks - một ví dụ cổ điển của các hiệu ứng mạng trong doanh nghiệp nền tảng như Uber, Grab hay Go-Viet. Nó cho thấy cách thức mà giá trị của một ứng dụng gọi xe công nghệ đối với mỗi người tham gia có thể làm tăng số lượng người dùng, qua đó lại làm gia tăng giá trị của dịch vụ hơn nữa.

cuoc dua dot tien kho luong giua grab va go viet o viet nam
Bản phác thảo của David Sacks, đồng sáng lập Yammer về vòng lặp của Uber, ví dụ điển hình cho các hiệu ứng mạng.

Để cạnh tranh với "lão làng" Grab vốn chiếm thế thượng phong, "kẻ nhập cuộc sau" như Go-Viet phải "đốt tiền" để gia tăng số lượng người dùng một cách nhanh chóng (khuyến mãi thu hút khách hàng, chiết khấu thấp để có thêm nhiều tài xế). Thông qua việc có thêm nhiều người dùng (mở rộng quy mô mạng), Go-Viet có thể gia tăng dịch vụ cho các đối tượng tham gia.

Cụ thể, các tài xế đăng ký làm tài xế cho Go-Viet và làm tăng mật độ phủ sóng địa lý. Thời gian chờ đợi của hành khách giảm xuống và thời gian chết (thời gian xe không có khách) của tài xế giảm xuống.

Thời gian chết giảm có nghĩa là tài xế có thể kiếm được số tiền tương đương mặc dù cước phí có thể thấp hơn bởi vì anh ta có nhiều hành khách hơn trong cùng một lượng giờ làm việc. Nó cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí và kích thích nhu cầu sử dụng ứng dụng gọi xe tăng cao, tạo ra một vòng lặp làm tăng mật độ phủ sóng hơn nữa.

Tóm lại, các doanh nghiệp nền tảng có thể tạo hiệu ứng mạng rất mạnh, tạo ra một kết cục là người chiến thắng giành phần lớn thị trường. Đó là lý do khiến Uber, Grab hay Go-Viet đã và đang chấp nhận "quăng tiền" vào cuộc chơi để thu hút những người tham gia mạng lưới.

Khi quy mô mạng phát triển đến một mức độ nhất định và xảy ra nhiều loại hiệu ứng mạng tích cực, tiêu cực hay cùng chiều trái chiều khác nhau, câu chuyện về quản lý vòng lặp hiệu quả sẽ là bài toán mà "gã khổng lồ" Grab đang phải đối mặt.

Xem thêm

Tuệ An