|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Go-Jek chính thức bị Grab đánh bại ở quê nhà Indonesia

09:28 | 07/09/2018
Chia sẻ
Go-Jek, startup kỳ lân của Indonesia, chính thức bị đối thủ Grab vượt mặt và giành vị trí số 1 về số cuốc xe ngay tại quê nhà.
go jek chinh thuc bi grab danh bai o que nha indonesia Tài xế Grab sẽ bị phạt nếu dùng điện thoại khi lái xe

Một báo cáo mới cách đây vài ngày của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research cho thấy một kết quả bất ngờ, Grab đã vượt Go-Jek ở thị trường Indonesia để vươn lên số 1 ở thị trường này xét về số cuốc xe.

Báo cáo cho thấy đến cuối tháng 6/2018, Grab dẫn đầu với 62% thị phần gọi xe tại Indonesia, thị trường gọi xe lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ.

Hồi đầu năm 2017, Grab mới chỉ có 30% thị phần ở quê hương của Go-Jek, trong khi đó Go-Jek chiếm đến 58% thị phần.

go jek chinh thuc bi grab danh bai o que nha indonesia
Các lái xe của Grab và Go-Jek tại Indonesia - Ảnh: Shinya Sawai/Nikkei

“Grab đã có một cuộc xoay chuyển tình thế ngoạn mục, kết quả của việc đầu tư mạnh mẽ và cả việc mua lại Uber ở thị trường Đông Nam Á”, Shiv Patel - chuyên viên phân tích tại ABI nhận định.

Indonesia, thị trường gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, từng là cuộc chơi của Uber, Go-Jek và Grab. Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại khiến hãng gọi xe Mỹ rút khỏi thị trường, bán lại toàn bộ mảng kinh doanh cho Grab tại Đông Nam Á.

Tận dụng cơ hội này, cộng với việc liên tục nhận được các khoản đầu tư lớn, Grab đã trở thành hãng gọi xe lớn nhất khu vực khi xét về số lượng chuyến xe thực hiện, ABI Research nhận định.

Ngoài cuộc cạnh tranh giữa Grab và các đối thủ trong khu vực, báo cáo cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực gọi xe ở Đông Nam Á.

Theo đó, có 16 tỷ cuộc gọi xe được thực hiện trên toàn cầu vào năm 2017, và ước đạt 24 tỷ chuyến trong năm nay. Riêng châu Á đã chiếm đến 70% tổng số, kế đến là Bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh. Chỉ 5% tổng chuyến này thực hiện tại châu Âu do quy định khắt khe ở khu vực này đối với các hãng gọi xe công nghệ.

Với quy mô lớn như vậy, nhiều hãng xe cả quốc tế lẫn nội địa đều muốn đặt chân vào châu Á. Khác với châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ người dân châu Á sở hữu xe hơi ít hơn do giá đắt đỏ, do đó thúc đẩy việc gọi xe làm phương tiện di chuyển.

Chưa kể giá cước xe rẻ, có nơi chỉ hơn 1.300 đồng/km, cộng với các điều luật thông thoáng đã tạo môi trường tốt cho các ứng dụng gọi xe bùng nổ.

Dĩ nhiên không phải hãng nào cũng đều thành công ở thị trường này. Vài công ty nước ngoài, như Uber chẳng hạn, gặp khó khăn và phải rút khỏi khu vực. Hãng phải từ bỏ Trung Quốc và Đông Nam Á và chuyển giao mảng kinh doanh của mình cho đối thủ am hiểu thị trường hơn.

Việc rút lui của Uber gia tăng cơ hội cho các công ty nội địa trong việc mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Chẳng hạn Didi Chuxing đã chiếm đến 90% thị phần gọi xe tại Trung Quốc, thị trường gọi xe lớn nhất thế giới, sau khi Uber rời đi.

Các đối thủ ở Đông Nam Á cũng tận dụng việc Uber từ bỏ để tăng cường đầu tư và mở rộng thị phần. Tại Indonesia, đất nước có số cuốc gọi xe cao thứ 4 thế giới, là cuộc cạnh tranh giữa chủ nhà Go-Jek và Grab, cả hai đều nhận được các khoản đầu tư khổng lồ. Sau khi giữ thị phần được 58% vào năm 2017, cuối tháng 6 này Go-Jek đã vuột mất vị trí số 1 về tay Grab. Hãng gọi xe trụ sở ở Singapore đã vươn lên chiếm 62% số cuốc xe ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cuộc chơi chưa kết thúc đối với Uber ở châu Á. Tại Ấn Độ, thị trường gọi xe lớn thứ 3 thế giới, Uber đang nắm 46% thị phần, chỉ đứng sau Ola Cabs, hãng mới đây tuyên bố đã vượt mặt Uber ở Vương quốc Anh - một trong những thị trường mạnh nhất của Uber.

Nhìn chung, chuyên viên ABI Research nhận xét, dịch vụ gọi xe đang có tốc độ phát triển ấn tượng và châu Á chính là thị trường trọng điểm. Việc phải rút lui khỏi thị trường béo bở này chắc chắn đối với Uber không hề dễ chịu chút nào. Tuy nhiên, hãng công nghệ Mỹ vẫn đang chiếm thị phần lớn ở nhiều nơi trên toàn cầu, như châu Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, Tây Âu.

Dù thế, khi các đối thủ ở châu Á đang đầu tư mạnh mẽ và có thị phần lớn ở khu vực này, Uber cần chuẩn bị để đối đầu với không chỉ các đối thủ ở châu Âu và Mỹ Latinh mà còn cả các hãng châu Á như Ola Cabs, Didi Chuxing, Grab khi các công ty này muốn mở rộng thị trường ra ngoài khu vực.

Xem thêm

Hải Đăng