|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Go-Jek tìm thêm mảnh ghép

07:15 | 03/05/2019
Chia sẻ
Ổn định nhân sự cấp cao, Go-Viet phải tính tiếp bài toán cạnh tranh đường dài.
Go-Jek tìm thêm mảnh ghép - Ảnh 1.

Go-Viet vẫn thể hiện quyết tâm mở rộng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: QH

Khủng hoảng nhân sự cao cấp ở Go-Viet, chi nhánh ở Việt Nam của Go-Jek (Indonesia), diễn ra trong bối cảnh đối thủ đang phát triển mạnh mẽ. Để tiếp tục, Go-Jek phải tìm đối tác phù hợp trong thời gian tới.

“Với tốc độ tăng trưởng hiện tại của Grab, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển lớn gấp 4 lần so với đối thủ gần nhất của mình ở Indonesia và trên toàn khu vực vào cuối năm nay”, ông Anthony Tan, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Grab, nói tại buổi công bố kế hoạch gọi vốn thêm 2 tỉ USD trong năm 2019. Đối thủ gần nhất, ông Tan nhắc đến, không ai khác chính là Go-Jek. Dù mới công bố với CNBC rằng chắc chắn sẽ có 1 tỉ USD trong vòng gọi vốn mới nhưng dường như tài chính chưa thể giúp đơn vị này an tâm. Báo cáo của ABI Research cho rằng Grab đang chiếm 62% thị phần đặt xe công nghệ ngay tại sân nhà của Go-Jek. GrabFood cũng tăng trưởng mạnh tại đây khi lượng đơn hàng tăng gấp 10 lần sau khi phủ 178 thành phố hồi cuối năm ngoái.

Không biết các thị trường khác của Go-Jek như thế nào nhưng tại Việt Nam, thị trường trọng điểm thứ 2 thì Go-Jek đang phải tạm thời lùi một bước vì trục trặc với Go-Viet trong thời gian qua, đại diện tại Việt Nam của Go-Jek. Không chỉ khủng hoảng trong vấn đề nhân sự cấp cao, một số dịch vụ trọng điểm của Go-Viet vẫn chưa phát triển kịp với Grab như ví điện tử chẳng hạn. Trong khi Grab đang từng bước thử nghiệm dịch vụ cho vay tiêu dùng thì Go-Viet vẫn chưa cho thấy dấu hiệu gì.

Cũng xin nhắc lại vay tiêu dùng và siêu ứng dụng được đánh giá là lời giải cho cuộc đua hạ giá xe của các công ty công nghệ Việt Nam trong thời gian qua. Ngay cả Be, đơn vị trong nước mới tham gia thị trường chưa lâu cũng tuyên bố tham gia sân chơi cho vay tiêu dùng bằng việc bắt tay với đối tác là VPBank.

Trong thời gian qua, các kỳ lân như Go-Jek, Grab hay Shopee đều xây dựng đội ngũ lãnh đạo bản địa và giao quyền quyết định chiến lược cho các nhân sự này, chỉ tham gia góp vốn, công nghệ và cố vấn để thâm nhập thị trường. Sau sự cố với Go-Viet, chắc chắn Go-Jek sẽ tìm một đội ngũ lãnh đạo khác để thay thế nhằm cải thiện hiệu quả đồng vốn bỏ ra, xứng đáng với tiềm năng và tham vọng thị trường. Thực tế, Go-Viet bất ngờ thông báo bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) giữ vị trí Tổng Giám đốc, sau gần một tháng nhà sáng lập, kiêm CEO của hãng gọi xe này từ chức, trở thành cố vấn.

Cái tên Go-Viet vẫn sẽ được giữ lại vì nhận diện thương hiệu khá tốt và có được mở đầu đầy thiện cảm với người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, để có thể so găng với Grab, Go-Jek buộc phải tìm được đối tác có giấy phép thanh toán trung gian để triển khai thêm nhiều dịch vụ mới trong chiến lược siêu ứng dụng để cạnh tranh với Grab. Hiện nay, ở Việt Nam, giấy phép thanh toán trung gian đang tạm ngừng cấp mới và chỉ có 27 đơn vị có giấy phép này. Ở các quốc gia Đông Nam Á khác, các công ty như Grab hay Go-Jek cũng gặp khó khăn trong việc đăng ký giấy phép thanh toán điện tử do chính phủ ngừng cấm giấy phép hoặc không cấp giấy phép cho các đơn vị có hơn 49% vốn nước ngoài. Mặt khác, đối với các ví điện tử trong nước, nguồn giao dịch đến từ giao thông, đi lại, giao thức ăn là cực kỳ hấp dẫn, không thể bỏ qua. Các đơn vị này vốn đã xem GrabPay là đối thủ đáng gờm trong thanh toán và thấp thỏm lo âu khi Grab tuyên bố thực hiện chiến lược siêu ứng dụng.

Go-Jek tìm thêm mảnh ghép - Ảnh 2.

Muốn thấy được sức mạnh của ứng dụng gọi xe trong thanh toán, hãy nhìn vào thành công của Go-Pay (ví điện tử của Go-Jek) tại Indonesia. Tưởng tượng đội ngũ lái xe của Grab trở thành các điểm nạp tiền mặt vào ví di động thì sẽ thấy được độ phủ rộng lớn của mạng lưới đại lý này như thế nào.

Chính vì 2 lý do trên mà nhiều khả năng sau khi gọi vốn, Go-Jek sẽ đầu tư chiến lược vào một trong các đơn vị thanh toán trung gian ở những thị trường mà Go-Jek chưa có giấy phép để có thể tích hợp dịch vụ. Tương tự như câu chuyện Grab đầu tư vào Moca ở Việt Nam và OVO ở Indonesia.

Tuy nhiên, khác với thời điểm Grab đầu tư vào Moca, thị trường ví điện tử hiện nay bắt đầu hình thành các tay chơi trong nhóm dẫn đầu và họ hoàn toàn ý thức được giá trị của giấy phép được cấp. Đó là chưa kể việc Thủ tướng đồng ý cho việc thí điểm thanh toán bằng tài khoản viễn thông hồi tháng 1 vừa qua sẽ kéo thêm các đối thủ nặng ký tham gia. ViettelPay chẳng hạn, trong thời gian qua đơn vị này liên tục chạy các chiến dịch quảng cáo rầm rộ.

Go-Jek tìm thêm mảnh ghép - Ảnh 3.

Nguồn tin cho cho biết, Go-Jek đang nhòm ngó 2 ví điện tử là MoMo và ZaloPay (sản phẩm của ZION, công ty con của VNG). Tuy nhiên, ZaloPay được xem là ứng cử viên sáng giá nhất vì đơn vị này thừa hưởng tập khách hàng khổng lồ trong hệ sinh thái của VNG, từ game, ZingMP3, Tiki đến Zalo. Tháng 5 năm ngoái, Zalo công bố có 100 triệu người sử dụng, có tiềm năng trở thành khách hàng của ZaloPay.

Thứ đến, Zalo cũng tuyên bố gia nhập thị trường siêu ứng dụng, trong thời gian qua họ cũng đã thử nghiệm mua sắm và giao thức ăn trên ứng dụng. Tuy nhiên, khác với Grab, Zalo không sở hữu nền tảng vận chuyển và có muốn đầu tư cũng đã trễ và tốn kém.

Để hoàn thành mục tiêu siêu ứng dụng, ZaloPay chọn con đường tích hợp với các nền tảng gọi xe. Xu hướng này không mới, như người sử dụng Line ở Thái Lan có thể gọi các ứng dụng chia sẻ xe hoặc WeChat Pay của Trung Quốc tích hợp gọi xe Didi Chuxing. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tìm đối tác tích hợp cũng không đơn giản với ZaloPay. Grab đã mạnh và có ví điện tử, Be là đối tác chiến lược với VPBank, còn các ứng dụng gọi xe khác thì không mấy thành công. Chính vì thế, khả năng hợp tác với Go-Jek và ZaloPay là hoàn toàn có thể. Vì qua đó, cả hai sẽ bổ sung phần còn thiếu cho nhau.

Công Sang