|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giá rẻ không phải chiến lược cạnh tranh lâu dài của Go-Viet

12:58 | 15/10/2018
Chia sẻ
Tấn công thị trường gọi xe công nghệ bằng khuyến mãi “khủng”, nhưng giám đốc Go-Viet khẳng định, giá rẻ chỉ là cách thu hút khách hàng dùng thử sản phẩm, không phải chiến lược cạnh tranh lâu dài.
 
ceo go viet gia re khong phai chien luoc canh tranh lau dai Go-Viet rục rịch tuyển tài xế ô tô, chuẩn bị tung ra dịch vụ Go-Car đối đầu với Grab
ceo go viet gia re khong phai chien luoc canh tranh lau dai Go-Viet tham vọng vẽ lại 'bản đồ' ứng dụng công nghệ

Bảng thành tích “khủng”

Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Go-Viet tuyên bố họ đã chiếm 35% thị phần ở Thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo sự sôi động của thị trường gọi xe công nghệ. Xuất hiện trên Café Khởi nghiệp gần đây, Nguyễn Vũ Đức – người đồng sáng lập & Tổng giám đốc Công ty Go-Viet - đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, chiến lược kinh doanh để đối cạnh tranh.

ceo go viet gia re khong phai chien luoc canh tranh lau dai
Nguyễn Vũ Đức - người đồng sáng lập & Tổng giám đốc Công ty Go-Viet chia sẻ trong Café Khởi nghiệp.

Từng làm việc tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV qua nhiều vị trí như định chế tài chính, bán lẻ, điện tử, Vũ Đức đúc kết nhiều kinh nghiệm quản lý, thấu hiểu khách hàng, thị trường trong nước. Từ 2015 đến 2018, anh thành lập công ty TDC – nền tảng công nghệ chuyển tiền qua điện thoại di động và Facebook. Anh cũng là người góp phần triển khai Uber tại Việt Nam vào mùa hè 2014.

Đức cho biết, học bổng MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Đại học Harvard đã thay đổi cuộc đời anh. Trong hai năm đầu học ở đây, anh xin thực tập tại Uber. Nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ với nền kinh tế, anh thay đổi định hướng, quyết định khởi nghiệp khi về nước.

Go-Viet lấy cảm hứng từ thành công của Go-Jek

Lấy cảm hứng từ thành công của Go-Jek – startup kỳ lân ở Indonesia, Vũ Đức muốn tạo ra giá trị xã hội nhờ công nghệ. CEO Go-Viet khẳng định, công ty là thương hiệu Việt, do người Việt làm chủ.

Để sớm định vị trên thị trường, ban điều hành “bắt tay” Go-Jek – đối tác chiến lược để học hỏi công nghệ tiên tiến, tăng nguồn lực tài chính. Dựa trên sản phẩm Go-Jek, họ chỉnh sửa phù hợp với thị trường Việt Nam.

Ra mắt khi “ông lớn” Uber thất bại trong cuộc chiến Đông Nam Á, Đức nhấn mạnh vai trò thấu hiểu thị trường của nhà lãnh đạo bản địa: “Người điều hành là người địa phương mới nắm bắt rõ nhu cầu thị trường. Uber rút khỏi đây nhưng nhu cầu sử dụng của khách hàng vẫn lớn. Một trong những lợi thế để Grab áp đảo ở Việt Nam là dịch vụ gọi xe máy. Vì vậy, doanh nghiệp nên cởi mở tiếp nhận thành tựu thế giới và áp dụng vào thực tế ở địa phương”.

Giá rẻ không phải chiến lược cạnh tranh lâu dài

Đối đầu Grab, Go-Viet liên tục đưa ra nhiều chính sách khuyễn mãi giá 9.000 – 10.000 đồng/chuyến, thậm chí 1.000 đồng/chuyến trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Đức cho rằng, giá rẻ chỉ là yếu tố ban đầu để khách hàng dùng thử sản phẩm, không phải chiến lược cạnh tranh lâu dài.

“Giá chỉ nên ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và người dùng vì doanh nghiệp kinh doanh vẫn cần lợi nhuận”, Đức bình luận.

Phản bác ý kiến đánh giá việc nâng giá sẽ ảnh hưởng tới cạnh tranh do tâm lý người Việt ưa giá rẻ, độ trung thành thấp, vị giám đốc trẻ nói rằng, khách hàng thoạt nhìn có vẻ quan tâm giá, nhưng khi phân tích hành vi cụ thể sẽ thấy giá chỉ tác động ban đầu. Công nghệ tiện ích, chất lượng dịch vụ mới đem lại sự gắn bó lâu dài của người dùng.

“Đa phần khách hàng phản hồi về sản phẩm, thái độ tài xế trong thời gian qua”, Đức cho hay.

Tài xế quyết định thành công của Go-Viet

Đảm bảo chất lượng phục vụ khi không trực tiếp sở hữu tài xế là bài toán cho mọi nền tảng kết nối công nghệ. Đức nhận định, tài xế quyết định thành công của Go-Viet. Họ cần sự tự chủ, thu nhập ổn định và được tôn trọng. Bởi vậy, công ty áp dụng nhiều biện pháp tạo động lực như lương thưởng, hướng tới nền tảng đa dịch vụ và tích cực truyền thông khiến họ cảm thấy tự hào là đại sứ thương hiệu cho Go-Viet.

“Hai tháng vừa qua, Go-Viet tăng trưởng “nóng” nên đội ngũ làm việc quả tải. Không lường trước được tình hình phát triển là thách thức lớn nhất của nền tảng kết nối công nghệ”, Đức chia sẻ.

Vị doanh nhân trẻ tiết lộ, công ty phát triển thêm nền tảng kết nối người dùng với ô tô, dịch vụ giao đồ ăn nhanh, ví điện tử vào cuối năm nay. Đội ngũ sáng lập hướng tới mục tiêu biến Go-Viet thành thương hiệu đa dịch vụ trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu thị trường nhằm tạo ra giá trị xã hội ngày càng lớn.

"Nền tảng đa dịch vụ không mới nhưng nhiều thương hiệu cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích cho người dùng" anh nhận định.

Xem thêm

Bùi Mến