|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhìn lại năm 2021 của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam: Tìm ngọc trong đá

08:07 | 30/12/2021
Chia sẻ
Trong nguy có cơ là cụm từ diễn tả chính xác nhất những gì đã xảy ra đối với các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam trong năm qua.
Một năm 'buồn' của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều tài xế xe công nghệ phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. (Ảnh: VTV).

Chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Các ứng dụng gọi xe phổ biến ở Việt Nam như Grab, Gojek hay Be đã trải qua một năm tương đối khó khăn. Ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại nước ta, đặc biệt là các tỉnh thành khu vực phía Nam và TP Hà Nội đã tác động không nhỏ tới các ứng dụng này.

Thực tế, việc kinh doanh của các ứng dụng này đã gặp khó trong thời gian dài khi mảng dịch vụ chính là gọi xe (bao gồm cả xe hai bánh và bốn bánh) đều phải đóng cửa để tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội theo từng chỉ thị. 

Trong khi đó, với mảng giao hàng, chẳng hạn như giao đồ ăn, nhu yếu phẩm,… các shipper cũng phải tuân thủ các quy định, quy tắc nghiêm ngặt về phòng chống dich để đảm bảo an toàn.

Đơn cử như Grab, trong tháng 7, đơn vị này đã phải tạm dừng hoạt động tại cả hai thành phố hàng đầu cả nước là TP HCM và Hà Nội. Trong đó, Grab đã thông báo đến người dùng việc ngừng các dịch vụ vận chuyển hành khách GrabBike, GrabBike Economy, GrabBike Premium và giao đồ ăn GrabFood (bao gồm GrabKitchen) trên địa bàn TP HCM. Tại Hà Nội, doanh nghiệp cũng dừng các dịch vụ vận chuyển (GrabBike, GrabCar, GrabTaxi) và dịch vụ giao nhận thức ăn (GrabFood).

Áp lực từ dịch bệnh kéo dài khiến nhiều tài xế xe công nghệ phải bỏ việc, thậm chí bán cả xe để trả nợ. Một số khác quyết định chuyển sang mảng giao đồ ăn, nhu yếu phẩm, hàng hóa,… để duy trì công việc trong mùa dịch. Dù vậy, những chính sách phòng chống dịch thay đổi liên tục ở từng địa phương cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho cả các tài xế xe công nghệ cũng như doanh nghiệp.

Dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ lên ngôi

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn đến mảng kinh doanh chính là gọi xe, nhằm giữ chân khách hàng cũng như duy trì hoạt động trong mùa dịch, các ứng dụng gọi xe đã đẩy mạnh phát triển mảng dịch vụ giao hàng, đi chợ hộ trong năm 2021.

Ví dụ, sau một thời gian phải tạm dừng hoạt động, Be Group đã mở lại dịch vụ Giao hàng và Đi chợ hộ tại TP HCM từ giữ tháng 8. Sau đó, lần lượt các dịch vụ đi chợ hộ và giao hàng của Grab, Gojek đã mở lại. Việc mở lại các dịch vụ này cho thấy tính thiết yếu của việc giao hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm trong mùa dịch.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi. Thay vì đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống,… người dân trong các vùng dịch buộc phải sử dụng đến các dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ. Chính điều này cũng góp phần giúp mảng dịch vụ này lên ngôi.

Một năm 'buồn' của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam - Ảnh 2.

Dịch vụ đi chợ hộ nở rộ trong mùa dịch. (Ảnh: Vietnamnet).

Đẩy mạnh dịch vụ tài chính

Năm 2021 cũng chứng kiến các ứng dụng gọi xe đẩy mạng phát triển mảng dịch vụ tài chính. Grab đã bắt tay với công ty thanh toán Mastercard để thúc đẩy các dịch vụ, bao gồm tài chính và kỹ thuật số ở khu vực Đông Nam Á. 

Thỏa thuận này sẽ cung cấp cho những người lao động không chính thức và các doanh nghiệp nhỏ hoạt động dựa trên các dịch vụ Grab cơ hội tiếp cận với việc nâng cao kỹ năng liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật số để gia tăng thu nhập.

Một năm 'buồn' của các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam - Ảnh 3.

Gojek công bố tính năng thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Thanh niên).

Trong khi đó, Gojek cũng công bố ra mắt tính năng thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng tại Việt Nam vào cuối tháng 10. Với tính năng này, người dùng đã có thể lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ Visa, Mastercard và JCB để thanh toán các dịch vụ vận chuyển và giao nhận đồ ăn trực tuyến trên ứng dụng Gojek.

Tính năng này ra mắt nhằm đáp ứng phản hồi của khách hàng, mong muốn có thêm nhiều lựa chọn thanh toán hơn trên ứng dụng ngoài tiền mặt. Nhu cầu này trở nên đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng thanh toán kỹ thuật số và thanh toán không tiếp xúc.

Những dấu ấn riêng

Bên cạnh một số điểm chung, những ông lớn trong ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam như Grab, Gojek hay Be cũng có những dấu ấn riêng trong một năm tương đối "ảm đạm" với thị trường này.

Tháng 4, CTCP Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be tuyên bố đã hoàn tất ký hợp đồng nhượng quyền khai thác kinh doanh vận tải hành khách với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với thỏa thuận này, Be trở thành hãng xe công nghệ đầu tiên có thể đón khách tại làn riêng sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, Gojek cũng chạy thí điểm dịch vụ GoCar vào tháng 8 phục vụ cho đội ngũ y tế tuyến đầu tại TP.HCM và chính thức ra mắt thị trường khi các hoạt động dần bình thường trở lại. Với việc ra mắt GoCar, hệ sinh thái của Gojek tại Việt Nam gần như đã hoàn thiện.

Riêng với Grab, ngoài những dấu ấn riêng biệt tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã chứng kiến sự kiện quan trọng trong năm 2021 khi chính thức IPO tại Mỹ, trở thành doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này có thể mở ra tương lai mới cho Grab trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Quốc Anh