|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những lãnh đạo rời nhiệm sở năm 2021: Có người 'quậy đục nước' chính trường Mỹ, có vị ra đi chóng vánh và có cả người cống hiến hơn chục năm

17:18 | 03/01/2022
Chia sẻ
Trong năm 2021, một số lãnh đạo nổi bật trên chính trường thế giới đã rời nhiệm sở, nhường chỗ cho những gương mặt mới lên nắm quyền. Một vài cái tên nổi bật nhất có thể kể đến ông Donald Trump, bà Angela Merkel, ông Yoshihide Suga và ông Hassan Rouhani.

1. Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhiệm kỳ: 1/2017 - 1/2021, 4 năm

Người kế nhiệm: Tổng thống Joe Biden

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã kế nghiệp cha điều hành công ty gia đình và dần nổi tiếng sau chương trình truyền hình thực tế ăn khách "The Apprentice" (Người tập sự).

Năm 2020, Forbes ước tính khối tài sản của ông đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Sau nhiệm kỳ giông bão, tính đến đầu năm 2022, khối tài sản của ông Trump rơi vào khoảng 2,5 tỷ USD.

Ông Trump được cho là theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc. Ông tham gia cuộc đua tổng thống năm 2016 với tư cách là ứng viên của Đảng Cộng hòa và "luồn qua khe cửa hẹp" để giành chiến thắng bất ngờ trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Những lãnh đạo rời nhiệm sở năm 2021: Người ra đi chóng vánh, người cống hiến đằng đẵng hơn chục năm - Ảnh 2.

Cựu Tổng thống Trump bước lên phi cơ Marine One để rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021. Trước truyền thông, vị cựu tổng thống Đảng Cộng hòa vẫn giơ cao nắm đấm - biểu tượng của ông từ đầu nhiệm kỳ. (Ảnh: AP).

Donald Trump hẳn là vị tổng thống Mỹ gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử. Ông là tổng thống đương nhiệm thứ 11 không tái đắc cử, đồng thời là tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần trong suốt nhiệm kỳ, lần lượt vào đầu năm 2020 và khi ông chỉ còn một tuần tại nhiệm.

Năm cuối cùng của ông Trump trên cương vị tổng thống cũng sóng gió không kém khi hàng trăm nghìn người Mỹ ngã xuống vì đại dịch COVID-19 - điều mà vị cựu tổng thống Đảng Cộng hòa thường cố tình phớt lờ trong các bài phát biểu trước công chúng.

Sau 4 năm điều hành siêu cường Mỹ, ông Trump đã ghi dấu ấn cả trong và ngoài nước với nhiều chính sách và phát ngôn táo bạo, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Twitter.

Một số dấu ấn của ông Trump có thể kể đến việc tái định hình cơ quan tư pháp liên bang, thành lập quân chủng thứ 6 của quân đội Mỹ (Lực lượng Không gian), cải cách thuế, đánh sập đế chế Hồi giáo của ISIS và tiêu diệt thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, giảm giá thuốc, bức tường nhập cư,…

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Trump vẫn chưa có một động thái chính trị rõ nét cũng như chưa bày tỏ mong muốn tập trung khôi phục hoạt động kinh doanh đang sa sút của gia đình. Truyền thông thường bắt gặp ông xuất hiện tại các sân golf quanh khu vực Florida.

Hồi giữa tháng 12, hãng tin Politico dẫn một số nguồn thạo tin cho biết cựu Tổng thống Trump "đã nói với các đồng minh rằng ông sẽ ra tranh cử vào năm 2024 nhưng cũng có thể rút lui".

2. Thủ tướng Đức Angela Merkel

Nhiệm kỳ: 11/2005 - tháng 12/2021, 16 năm

Người kế nhiệm: Thủ tướng Olaf Scholz

Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Đức vào năm 2005, bà Angela Merkel đã đảm bảo một vị trí khó ai thay thế được trong lịch sử. Sau 16 năm cầm quyền, "bà đầm thép" đã xác lập khá nhiều kỷ lục, đơn cử như nữ thủ tướng đầu tiên của Đức, có thời gian nắm quyền chỉ kém cựu Thủ tướng Helmut Kohl khoảng một tuần.

Bà Merkel được công nhận là đã nâng cao danh tiếng và quyền lực của Đức cũng như nỗ lực xây dựng Liên minh châu Âu (EU) vững chắc hơn trong 16 năm qua. Hơn nữa, vị cựu thủ tướng Đức còn là hình mẫu cho phụ nữ "xông pha" vào chính trường.

Những lãnh đạo rời nhiệm sở năm 2021: Người ra đi chóng vánh, người cống hiến đằng đẵng hơn chục năm - Ảnh 4.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thường đan tay thành hình kim cương. Cử chỉ này nổi tiếng đến mức có tên riêng là "kim cương Merkel", đồng thời sở hữu một trang Wikipedia riêng. "Kim cương Merkel" được cho là có ý nghĩa “Tương lai tươi đẹp của nước Đức". (Ảnh: AFP).

Ngoài ra, bà cũng là nhà lãnh đạo đã kinh qua ít nhất ba cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử hiện đại: Đại suy thoái (2007 - 2009), cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu (2008 - 2012) và cuộc khủng hoảng COVID (từ năm 2020 đến nay).

Trong một thông điệp tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của bà Merkel vào tháng 10 năm nay, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói lời cảm ơn vị nữ thủ tướng. Ông Obama bày tỏ: "Nhờ có bà mà nước Đức và châu Âu mới trụ vững qua bao sóng gió".

Trước đó, tại một sự kiện tranh cử vào tháng 8, bà Merkel đã từng điểm lại một số thành tựu của cá nhân, bao gồm việc giảm con số thất nghiệp của Đức từ 5 triệu người năm 2005 xuống 2,6 triệu người năm 2020; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng chung từ 10% lên 40%; chấm dứt quy định nghĩa vụ quân sự, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới; đưa ra quy định về mức lương tối thiểu; ký kết nhiều thỏa thuận thương mại đa phương như hiệp định EVFTA với Việt Nam;…

3. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga

Nhiệm kỳ: 9/2020 - 10/2021, 1 năm

Người kế nhiệm: Thủ tướng Fumio Kishida

Một trong các nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền chóng vánh nhất trong vài năm trở lại đây chính là cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ông Suga là vị thủ tướng mới đầu tiên của Nhật Bản dưới thời kỳ Reiwa (Lệnh Hòa), song ông chỉ dẫn dắt đất nước trong khoảng một năm.

Ông Suga tiếp quản chức thủ tướng Nhật Bản sau khi ông Shinzo Abe từ chức vào tháng 9/2020 do vấn đề sức khỏe. Đáng buồn là tỷ lệ ủng hộ của ông Suga liên tục giảm mạnh khi đất nước Nhật Bản phải chật vật chống lại làn sóng COVID nghiêm trọng trước thềm cuộc tổng tuyển cử mới.

Ban đầu, ông Suga có ý định tái tranh cử trong năm 2021 nhưng cuối cùng ông quyết định rút lui vì muốn tập trung cho chiến dịch phòng chống đại dịch COVID-19, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay.

Dù thời gian nắm quyền không đáng là bao, các chuyên gia chính trị nhận định cựu Thủ tướng Suga vẫn để lại cho người kế nhiệm Fumio Kishida một số thành tựu đối nội - đối ngoại quan trọng.

Những lãnh đạo rời nhiệm sở năm 2021: Người ra đi chóng vánh, người cống hiến đằng đẵng hơn chục năm - Ảnh 6.

Dù thời gian cầm quyền ngắn ngủi, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga vẫn được cho là đã tạo ra một số thành tựu đối nội - đối ngoại quan trọng cho chính quyền kế nhiệm. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Suga đã phát triển các chính sách đối ngoại mà người tiền nhiệm Shinzo Abe từng theo đuổi, trong đó có việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia và khu vực chiến lược như ASEAN hay Bộ tứ Kim cương.

Ở lĩnh vực đối nội, chính quyền ông Suga đã ra mắt Cơ quan Kỹ thuật số mới vào tháng 9 năm ngoái do cuộc khủng hoảng COVID đã thúc giục Nhật Bản phải cải thiện năng lực điều phối và xây dựng các chính sách kỹ thuật số cho thời đại mới.

Ngoài ra, ông Suga còn nỗ lực tăng cường năng suất của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) khi SME sử dụng đến 70% lực lượng lao động và chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp ở Nhật Bản.

4. Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Nhiệm kỳ: 8/2013 - 8/2021, 8 năm

Người kế nhiệm: Tổng thống Ebrahim Raisi

Ông Hassan Rouhani chính thức được bầu làm Tổng thống Iran vào tháng 8/2013. Chiến thắng của ông Rouhani cho thấy, người dân Iran thực sự muốn trao số phận đất nước vào tay một nhà lãnh đạo ôn hòa, ủng hộ chủ trương cải cách và khôi phục kinh tế.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Rouhani đã nhiều lần nêu cao khẩu hiểu: "Cứu lấy nền kinh tế Iran và khôi phục giáo lý", đồng thời ông tuyên bố "tránh xa" những tư tưởng như chủ nghĩa cực đoan, bám sát đường lối của hai người tiền nhiệm để gỡ bỏ cấm vận của phương Tây.

Những lãnh đạo rời nhiệm sở năm 2021: Người ra đi chóng vánh, người cống hiến đằng đẵng hơn chục năm - Ảnh 8.

Một trong các thành tựu để đời của cựu Tổng thống Iran Hassan Rouhani chính là thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, về sau, chính quyền ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp dụng các lệnh trừng phạt Tehran. Động thái này đã thổi bùng căng thẳng giữa Iran và phương Tây sau nhiều năm vun đắp của ông Rouhani. (Ảnh: Reuters).

Một trong những cam kết của cựu Tổng thống Rouhani chính là giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Ban đầu, ông Rouhani hứa hẹn sẽ chỉ mất 3 - 6 tháng để thực hiện lời cam kết.

Cuối cùng, chính quyền của ông phải mất đến hơn hai năm mới đưa được Iran và phương Tây lên bàn đàm phán và đặt bút ký thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (tên chính thức là Thoả thuận Hành động Chung - JCPOA).

Hậu thỏa thuận hạt nhân, nền kinh tế Iran đã hồi sinh, đặc biệt là ở hai lĩnh vực dầu khí và tài chính. GDP của đất nước Trung Đông tăng trưởng vượt trội và lần đầu tiên kể từ thập niên 1990, lạm phát giảm xuống dưới mức 10%. Cộng đồng quốc đồng thuận rằng những nỗ lực của cựu Tổng thống Rouhani đã được đền đáo.

Tuy nhiên, biến cố bất ngờ xảy ra vào năm 2018, khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran.

Tehran dưới sự dẫn dắt của ông Rouhani bắt đầu thực hiện một số động thái đáp trả, khiến mối quan hệ giữa Iran và phương Tây rơi vào chảo lửa lần nữa. Căng thẳng vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay, khi người kế nhiệm của ông Rouhani là Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền.

Khả Nhân