NFT đã trở thành thị trường trị giá 40 tỷ USD trong năm 2021 như thế nào?
Ở thời điểm đầu năm 2021, chỉ có một số ít những người hiểu biết về mã hoá (crypto) thực sự quan tâm đến NFT (non-fungible token, tạm dịch: token không thể thay thế).
Nhưng tới thời điểm cuối năm, gần 41 tỷ USD đã được chi tiêu vào NFT. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô thị trường NFT (đồ sưu tập và các tác phẩm nghệ thuật số) có giá trị tương đương thị trường nghệ thuật truyền thống trên toàn cầu.
"Năm nay chứng kiến thị trường NFT bùng nổ từ một thị trường quy mô chưa đến 1 tỷ USD thành một ngành công nghiệp nhiều chục tỷ USD", Mason Nystrom, một nhà phân tích nghiên cứu tại Messari, chia sẻ. Ông nói thêm rằng nhiều người đang chạy đua mua các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với "danh tính của họ trên thế giới mạng".
NFT về cơ bản là xác nhận sở hữu số được ghi nhận trên blockchain (chuỗi khối) – một bản ghi không thể bị thay đổi hoặc tác động.
NFT thường được tạo ra sử dụng hợp đồng thông minh (các hợp đồng tự thực thi được viết trên các đoạn mã blockchain) và có thể được trao đổi trên thị trường thứ cấp, đổi lại bằng tiền mã hoá.
NFT thực sự trở thành "cơn sốt" vào tháng 3 khi một tác phẩm của nghệ sỹ Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD trên sàn Christie's. Sau sự kiện này, nhiều cá nhân và tổ chức đón nhận tích cực khái niệm mới và hoà vào xu hướng. Trong khi đó, nhiều người nổi tiếng tận dụng NFT để tìm cách tương tác với người hâm mộ của mình.
NBA, giải bóng rổ nhà nghề nước Mỹ, tạo một sàn giao dịch NFT riêng để mua, bán và trao đổi các đoạn video khi lại điểm nhấn của trận đấu, gọi là NBA Top Shot.
"Giá trị cốt lõi vẫn là tính độc quyền", Nystrom chia sẻ. Ông nói thêm rằng các NFT giá trị còn cho phép người mua tiếp cận với nhiều sự kiện riêng tư, cả trên thế giới mạng và trực tiếp.
Theo ước tính, 40,9 tỷ USD đã được đổ vào các hợp đồng blockchain ethereum được dùng để tạo ra NFT trong năm nay, tính đến thời điểm ngày 15/12. Con số tổng cộng còn có thể cao hơn nếu tính cả NFT được tạo ra trên các mạng blockchain khác như solana.
Để tiện so sánh, trong năm ngoái, thị trường nghệ thuật toàn cầu có giá trị 50,1 tỷ USD, theo số liệu của UBS và Art Basel.
Chainalysis, một nhóm phân tích mã hoá, nói rằng NFT đã giới thiệu một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân đến với thế giới mã hoá, với các giao dịch giá trị nhỏ (dưới 10.000 USD) chiếm tới 75% dung lượng thị trường.
Thế nhưng cũng tương tự với thị trường tiền mã hoá, thị trường NFT cũng bị thống trị bởi một số ít "tay chơi" lớn, hay còn gọi là "cá mập".
Từ cuối tháng 2 đến tháng 11, có 360.000 người sở hữu NFT nắm giữ 2,7 triệu USD giá trị NFT. Trong số này, khoảng 9%, tương đương 32.400 NFT, nắm giữ 80% giá trị thị trường.
Stephen Diehl, một kỹ sư phần mềm, nói với Financial Times rằng nhiều "cá mập" đang "ngồi trên hàng trăm triệu USD giá trị tài sản mã hoá" từ đợt bùng nổ giá tài sản mã hoá. Họ đang tìm cách "biến các tài sản mã hoá của họ thành nhiều tài sản hơn nữa".
Một số người khác nói rằng họ tiếp cận thị trường theo hướng là nhà người trao đổi kiêm nhà sưu tập. Một nhà đầu tư NFT nổi tiếng được biết đến với tên gọi Pranksy trên Twitter, từng bắt đầu với khoản đầu tư 600 USD vào NFT vào năm 2017. Đến nay, anh có danh mục NFT lên tới 20 triệu USD.
Financial Times cho biết họ thường đầu tư vào nhiều dự án khác nhau, "một số trong đó có lưu lượng giao dịch hàng ngày lớn và số còn lại thường có mức độ quan tâm nhỏ hơn theo thị trường ngách".
Dù vậy, cho tới nay, phần lớn những nhà sưu tập NFT mới vẫn chưa thể bù đắp được phần chi phí mua NFT mà họ bỏ ra, theo phân tích của Nansen. Trong khi đó, các nhà đầu tư NFT từ sớm lại được hưởng lợi từ đợt tăng giá của NFT hay đồng tiền mã hoá mà nó được sử dụng để trao đổi.
Thị trường NFT cũng bị phủ bóng bởi các hoạt động lừa đảo và thao túng vì danh tính thực sự của người mua và người bán không dễ được xác định. Nếu không muốn nói là không thể.
Phân tích của Nansen ghi nhận 2 triệu USD giá trị hoạt động đáng ngờ trên CryptoPunk và Bored Ape trong khoảng thời gian 30 ngày cho tới giữa tháng 12. Ví dụ, một số NFT được bán với giá thấp hơn 95% so với mức giá bán trung bình. Lý do cho điều này có thể đến từ lỗi giữa người mua – người bán, trốn thuế hoặc các lừa đảo khác nhắm đến đối tượng người dùng mới, ít kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận hiện tượng một nhà đầu tư thực hiện cả chiều mua và chiều bán của một giao dịch để tạo cảm giác rằng thị trường đang có nhu cầu.
"Bạn có thể vừa mua vừa bán một NFT trên một sàn giao dịch công khai và làm như thể có nhiều nhu cầu, trong khi đó vẫn chỉ có bạn đang đẩy giá lên", Rüdiger K Weng, CEO Weng Fine Art, chia sẻ.
"Điều này cũng xảy ra trong hoạt động trao đổi các tác phẩm nghệ thuật truyền thống", ông nói. Tuy nhiên, nếu như một người thao túng thị trường gửi một tác phẩm nghệ thuật đến Sotheby's và làm hành động tương tự, họ sẽ phải trả mức phí 25% doanh số bán ra. Điều này khiến nó trở thành một khoản chi phí đắt đỏ.
Dù sao đi nữa, vẫn có nhiều người tin rằng thị trường NFT đã chín muồi và sẽ ngày càng cung cấp thêm nhiều tính năng khác, ví dụ như cho phép các nghệ sỹ kiếm được tiền hàng tháng từ hoạt động cho thuế, bán.
Bên cạnh đó, các hoạt động tài chính dựa trên NFT cũng bắt đầu xuất hiện, ví dụ như cho vay dựa trên NFT hoặc chia nhỏ NFT thành nhiều phần, nhiều quyền sở hữu.
Trong dài hạn, những người ủng hộ hy vọng NFT có thể sẽ là chất xúc tác cho thương mại điện tử trong metaverse (vũ trụ ảo). Mới đây, Nike cũng đã mua một công ty giày ảo để tạo ra những đôi giày ảo theo kiểu NFT.
Vấn đề đặt ra ở đây là quan điểm của nhà điều hành. Một số người tin rằng NFT có nhiều điểm chung với các công cụ đầu tư số và vì thế có thể được xem như một dạng chứng khoán trong mắt các nhà điều hành.
Bên cạnh đó, các cơ quan thuế cũng đang đứng trước thách thức cần tìm ra cách đối xử hợp lý đối với loại tài sản mới này.