|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các thương vụ bancassurance nở rộ, ngân hàng thu nghìn tỷ từ bán bảo hiểm trong năm 2021

11:01 | 07/01/2022
Chia sẻ
Với mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền có thể sẽ diễn ra trong giai đoạn tới.

Năm 2021, khi mảng tín dụng gặp khó khăn trước dịch COVID-19, các ngân hàng đều đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) khiến nguồn thu từ hoạt động này tăng trưởng ngoạn mục và trở thành điểm sáng của ngành ngân hàng. 

Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance cũng tích cực hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Phí trả trước bancassurance đã trở thành yếu tố thúc đẩy thu nhập đột biến do định giá tăng. Nó tạo hiệu ứng nền so sánh trong tăng trưởng thu nhập và gây nhiễu đối với diễn biến giá cổ phiếu.

Chứng khoán Rồng Việt

Một thương vụ bancassurance điển hình trong năm 2021 có thể kể đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential. 

VCBS ước tính hợp đồng trên với công ty bảo hiểm Prudential có thể đem về cho MSB 3.500 tỷ đồng phí trả trước. Công ty chứng khoán kỳ vọng hợp tác bancassurance này sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân hàng.

Về hạch toán lợi nhuận từ phí trả trước, VCBS cho rằng MSB khả năng cao sẽ lựa chọn cách thức hạch toán dần trong 3 - 5 năm để tránh ảnh hưởng lớn tới vốn chủ sở hữu của ngân hàng và kế hoạch kinh doanh các năm sau đó.

Bên cạnh MSB, hai ngân hàng khác là Techcombank và VPBank cũng tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí "trả trước" cao hơn trong năm 2021.

Theo bảng ước tính của Yuanta Việt Nam, phí trả trước dựa trên một số thương vụ bancassurance gần đây, VPBank có thể tái đàm phán bancassurance với khoản phí 8.000 tỷ đồng. Techcombank nhận phí trả trước 1.500 tỷ đồng từ hợp tác độc quyền bancassurance với Manulife.

Trong khi đó, HDBank và Dai-ichi đã gỡ bỏ điều khoản độc quyền trong hợp đồng bancassurance, theo Chứng khoán SSI (SSI Research).

Hợp đồng bancassurance độc quyền 10 năm giữa HDBank và Dai-ichi được ký kết năm 2015 và chi phí trả trước ở thời điểm đó tương đối nhỏ nếu so sánh với các thương vụ bancassurance độc quyền gần đây. Do đó, SSI Research cho rằng hai bên có thể rà soát và đàm phán lại các điều khoản chính.

Mặt khác, nhóm phân tích đánh giá động thái này có thể cho phép HDBank hợp tác với các công ty bảo hiểm khác và đa dạng danh mục sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đồng thời mở ra cơ hội cho HDBank có thể đàm phán một thương vụ bancassurance độc quyền khác.

Các thương vụ bancassurance nở rộ, ngân hàng thu ngàn tỷ từ bán bảo hiểm trong năm 2021 - Ảnh 2.

Nguồn: Yuanta Việt Nam.

Nhắc đến các thương vụ bancassurance độc quyền phải kể đến "cái bắt tay" giữa VietinBank với Manulife. Lợi nhuận VietinBank từng được dự báo có thể vượt tỷ đô khi thương vụ M&A giữa Manulife và Aviva được phê duyệt.

Theo ước tính của SSI Research, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD.

Đồng thời, nhóm phân tích cũng dự báo thu nhập từ bancassurance của VietinBank sẽ tăng 30% - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới. 

Trong tháng 12/2020, VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.

Trước đó, VietinBank từng có hợp tác phân phối độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2019, công ty này đã thay đổi chiến lược phát triển và rút lui khỏi một số thị trường tại Châu Á trong đó có Việt Nam.

Như là một phần gắn liền với giao dịch, Tập đoàn Tài chính Manulife châu Á cũng sẽ mua lại Aviva Việt Nam. Quá trình mua lại sẽ theo các quy định nghiêm ngặt và sự phê duyệt của pháp luật.

Trong trường hợp thương vụ M&A giữa Manulife và Aviva Việt Nam được chấp thuận bởi Bộ Tài chính như ngân hàng kỳ vọng, VietinBank sẽ có khả năng ghi nhận khoản phí trả trước vốn sẽ đẩy tăng trưởng lợi nhuận rất cao, VDSC nhận định.

VietinBank kỳ vọng nhận được phê duyệt trễ nhất là đầu quý III/2021. Song, đến thời điểm hiện tại thương vụ M&A này vẫn chưa được phê duyệt.

Xét về giá trị hợp đồng, hiện nay, Vietcombank và FWD đang giữ kỷ lục trên thị trường với mức phí trả trước lên đến 9.200 tỷ đồng theo hợp đồng thời hạn 15 năm.

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên về đóng góp của hợp đồng phân phối bảo hiếm đối với kết quả kinh doanh ngân hàng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết. Trong quý I/2021, Vietcombank đã vươn lên thứ 8 thị trường về hoạt động phân phối bảo hiểm với doanh thu ước đạt 390 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Vietcombank cũng hạch toán 1700 tỷ phí trả trước từ FWD, 1100 phí hoa hồng. Như vậy, tổng thu nhập từ hoạt động phân phối bảo hiểm trong quý I đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong năm, cũng có báo cáo đánh giá ảnh hưởng thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm Sunlife Việt Nam đối với hoạt động kinh doanh của ACB.

Cụ thể, BVSC giả định ACB sẽ ghi nhận đồng đều khoản upfront đáng kể trong vòng 5 năm tới. Riêng giai đoạn 2021 - 2022, con số này có thể lên tới 1.700 tỉ đồng/năm. Dù không tiết lộ thêm chi tiết về các điều khoản, lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng ACB và Sunlife sẽ thỏa thuận kế hoạch kinh doanh cho từng năm.

Các thương vụ bancassurance nở rộ, ngân hàng thu ngàn tỷ từ bán bảo hiểm trong năm 2021 - Ảnh 3.

Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS.

Ngân hàng thu hàng nghìn tỷ từ bán bảo hiểm 

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhiều ngân hàng ghi nhận doanh số bảo hiểm theo tháng với mức tăng trưởng ấn tượng của thu nhập phí bảo hiểm thuần.

Một số ngân hàng như Techcombank, VIB,… đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Mức hoa hồng chi trực tiếp cho nhân viên ngân hàng cũng được tăng lên ở một số ngân hàng.

Doanh số bảo hiểm 10 tháng năm 2021 cho thấy VIB là ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm tốt nhất hệ thống trong năm vừa qua. Cụ thể, doanh số bán bảo hiểm luỹ kế 10 tháng của ngân hàng đạt 1.285 tỷ đồng, riêng tháng 10, doanh số lên tới 160 tỷ đồng.

Bên cạnh VIB, bốn ngân hàng khác có doanh số bán bảo hiểm luỹ kế 10 tháng trên 1.000 tỷ đồng bao gồm SCB (1.261 tỷ đồng), MB (1.087 tỷ đồng), ACB (1.071 tỷ đồng), và Techcombank (1.012 tỷ đồng).

Trong khi đó, Vietcombank dẫn đầu thị trường về phí trả trước, lại chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng khi ghi nhận doanh số bảo hiểm 10 tháng chỉ đạt 539 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm thấp dưới 500 tỷ đồng bao gồm MSB (499 tỷ đồng), LPB (468 tỷ đồng), OCB (271 tỷ đồng), và VietinBank (228 tỷ đồng).

Doanh số bảo hiểm theo tháng năm 2021

Các thương vụ bancassurance nở rộ, ngân hàng thu ngàn tỷ từ bán bảo hiểm trong năm 2021 - Ảnh 4.

Nguồn: NHNN, NTHM, VCBS.

Thị trường bancassurance sẽ tiếp tục sôi động

Trong năm 2022, VCBS cho rằng các ngân hàng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ thu phí tốt hơn như bancassurance và dịch vụ ngân hàng đầu tư khi mà hoạt động bancassurance còn nhiều dư địa. Số liệu cho thấy chỉ có 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ, trong khi tỷ lệ tham gia ở các nước phát triển lên đến 90%.

Đặc biệt, thị trường có thể tiếp tục ghi nhận sự ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền mới giữa VietinBank - Manulife và của HDBank khi ngân hàng này đang tích cực tìm kiếm đối tác độc quyền mới.

Đồng quan điểm, SSI dự báo thị trường bancassurance sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới. 

Sang năm 2022, các chuyên gia cũng cho rằng VietinBank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife, trong khi Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. Ngoài ra, HDBank và LPBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới. 

Do đó, các ngân hàng vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các hợp đồng bancassurance để đáp ứng các KPI mới hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước. Theo đó, SSI ước tính hoa hồng bancassurance trên tổng NFI sẽ tăng trong năm tới (từ mức trung bình hiện tại là 15%).

Phương Nga