Ngân hàng năm 2021: Thăng hoa với lợi nhuận, cẩn thận với nợ xấu
2021 có thể nói là một năm nhiều thăng trầm đối với ngành ngân hàng, khi bức tranh toàn ngành chỉ trong nửa đầu năm và nửa cuối còn lại đã có những gam màu khác nhau. Nếu như trong nửa đầu năm là một màu sáng thì cú sốc từ làn sóng COVID-19 thứ tư diễn ra trong quý III lại khiến cho đà tăng trưởng chậm nhịp và là một lời cảnh báo cho sự "miễn nhiễm" của các ngân hàng với đại dịch.
Nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sụt giảm doanh thu, giảm khả năng trả nợ,... nhưng lợi nhuận ngân hàng lại chạm mức kỷ lục trong nhiều năm. Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, lợi nhuận nhiều ngân hàng khởi sắc, không ít trong đó tăng trưởng bằng lần.
Mặc dù làn sóng dịch thứ tư đã ảnh hưởng phần nào đến bức tranh chung nhưng tính chung cả năm, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn khả quan so với năm trước.
Hai ông lớn Big4 BIDV và Agribank cho biết đã hoàn thành được những kế hoạch đề ra trong năm 2021 trong khi nhiều công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cao trong năm.
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của 28 ngân hàng đã tăng 45,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 139.294 tỷ đồng. Trong đó, không ít ngân hàng vẫn tiếp tục lập kỷ lục về lợi nhuận.
Đáng chú ý là sự nổi lên của nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ với lãi tăng trưởng bằng lần như NCB, Nam A Bank, Kienlongbank, SCB, PG Bank,...
Lợi nhuận nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021
"Nghịch lý" kinh tế khó khăn - ngân hàng lãi lớn này được giới phân tích lý giải bằng một số nguyên nhân, trong đó một trong những yếu tố chính là sự hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho nhà băng giảm lãi suất huy động. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động đã thấp hơn 1,5 - 2 điểm % so với trước dịch và cũng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại.
Một mặt, chi phí đầu vào của các ngân hàng đã giảm trong khi lãi suất cho vay lại không giảm tương xứng giúp biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng được nới rộng, đẩy lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.
Không chỉ vậy, các nguồn thu ngoài lãi bất thường (kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư, chứng khoán kinh doanh....) cũng đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh.
Việc các ngân hàng lãi lớn cũng xảy ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, các doanh nghiệp lao đao. Không ít ý kiến cho rằng các ngân hàng chưa thực sự đồng hành cũng doanh nghiệp, sự hỗ trợ chưa thực chất, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Trước những quan điểm trái chiều này, với sự vận động của các cơ quan quản lý, 16 ngân hàng đã đi đến quyết định cam kết "cắt máu" để hỗ trợ cho khách hàng.
Từ giữa tháng 7, 16 nhà băng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã đồng thuận giảm thêm lãi suất cho vay trên dư nợ hiện hữu trong 5 tháng cuối năm. Số tiền mà 16 ngân hàng cam kết giảm, ước tính khoảng 20.600 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 11, các ngân hàng này trên thực tế đã giảm tiền lãi hơn 15.500 tỷ đồng, đạt 75% so với mức cam kết.
Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số lợi nhuận sẽ không thể đánh giá được sức khỏe của một ngân hàng. Khi nền kinh tế lao đao, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân đi xuống, rủi ro nợ xấu của các ngân hàng tăng lên.
Số liệu nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng cũng tăng đáng kể, thống kê tại 27 ngân hàng (đã giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán) cho thấy con số này đã tăng 26% so với đầu năm đạt hơn 113.000 tỷ đồng (đến 30/9).
Trong đó, hai ngân hàng quốc doanh Vietcombank và VietinBank với quy mô nợ xấu tại thời điểm cuối quý III là 10.884 tỷ đồng (tăng 108,1%) và 18.097 tỷ đồng (tăng 90,1%).
Riêng số nợ tăng thêm của hai "ông lớn" này trong 9 tháng đã lên tới 14.233 tỷ đồng, chiếm hơn 60% số nợ xấu tăng thêm của 27 ngân hàng. Với sự nhảy vọt này, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng mạnh từ mức 0,62% lên 1,16%, VietinBank tăng từ 0,94% lên 1,67%. Trong khi đó, "quán quân" nợ xấu BIDV lại ghi nhận xu hướng đi ngang và ở mức 21.433 tỷ đồng vào cuối quý III.
Áp lực nợ xấu cũng tăng lên trông thấy tại một số ngân hàng tư nhân vốn được đánh giá có chất lượng tài sản khỏe mạnh như ACB và Techcombank. Trong ba quý đầu năm, dư nợ xấu của hai nhà băng này đã tăng xấp xỉ gấp rưỡi; tỷ lệ nợ xấu tại ACB đã tăng từ 0,59% lên 0,87%, còn của Techcombank tăng từ 0,47% lên 0,57%.
Cũng phải nói rằng, đây mới chỉ là những có số nhìn được trên báo cáo tài chính. Phần chìm của "tảng băng" lại đang ẩn dưới "lớp vỏ" nợ được cơ cấu khi NHNN ban hành Thông tư cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ.
Luỹ kế đến cuối tháng 12, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 cho khoảng 607.000 tỷ đồng dư nợ. Hiện có 300.000 tỷ dư nợ đang nằm trong diện này tại các tổ chức tín dụng.
Con số này gấp gần 3 lần dư nợ nội bảng của 27 ngân hàng kể trên, mặc dù không phải 100% các khoản nợ này sẽ trở thành nợ xấu nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu tính cả nợ được tái cơ cấu và nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ước đạt 7,31%.
Nhận định về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng ảnh hưởng của dịch sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ và những hệ luỵ từ nợ xấu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể kéo dài sang năm 2022.
Theo quy định của NHNN, đến cuối năm nay, các ngân hàng sẽ phải trích lập ít nhất 30% phần nợ xấu được tái cơ cấu và tỷ lệ này sẽ tăng dần trong các năm sau. Do đó, áp lực trích lập của các nhà băng là vẫn hiện hữu, khi tác động của biến thể Omicron vẫn còn là ẩn số hay những yếu tố không thể lường trước khác.
Dù vậy, bản thân các ông chủ nhà băng nắm được tình hình nợ xấu của mình hơn ai cả, nên hầu hết đã chủ động trích lập dự phòng trên mức tối thiểu cho các khoản nợ được tái cơ cấu này trong quý II và quý III năm nay, tăng cường khả năng chống chịu đối với khả năng nợ xấu có thể hình thành.
Một trong những điểm nhấn trong năm qua của ngành ngân hàng là các nhà băng đồng loạt tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho nhà đầu tư, chào bán riêng lẻ.
Thị trường chứng khoán sôi động và sự đồng thuận của cơ quan quản lý là những chất xúc tác không thể thiếu tạo nên sự thành công trong quá trình tăng vốn của loạt ngân hàng kể cả các trường hợp "khó nhằn" như nhóm Big4 hay với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cả 4 ngân hàng quốc doanh đều được chấp thuận tăng vốn, trong đó VietinBank, Vietcombank và BIDV đều đã được thông qua việc phát hành hàng tỷ cổ phiếu chia cổ tức, qua đó giải quyết nút tắc về vốn nhiều năm cho các "ông lớn", đặc biệt là với VietinBank, nhà băng có vốn điều lệ đi ngang trong gần một thập kỷ.
Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã thực tăng vốn khủng khác trong năm 2021 phải kể đến như VPBank (tăng 80%); VIB (tăng 40%); MB (tăng 35%); OCB, ACB và HDBank (cùng tăng 25%);...
Theo thống kê của NHNN, tính đến 30/9/2021, vốn điều lệ của toàn ngành ngân hàng đạt 715.580 tỷ đồng, tăng 8,32% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh chiếm 169.690 tỷ đồng, tăng 9,29%, chưa bao gồm hai đợt tăng vốn của BIDV và Vietcombank; các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 348.481 tỷ đồng, tăng 9,88%.
Qua đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 của hai nhóm ngân hàng này đã cải thiện lên mức lần lượt là 9,17% và 11,38% (so với mức 8,96% và 10,86% thời điểm 31/1/2021).
Năm 2021 cũng đánh dấu những thương vụ bán vốn công ty tài chính nghìn tỷ đồng của các ngân hàng thương mại.
Tiêu biểu phải kể đến là thương vụ bán 49% vốn FE Credit của VPBank cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (Nhật Bản). Đây là thương vụ bán vốn công ty tài chính lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay, ước tính đem về cho VPBank khoảng 1,4 tỷ USD.
Không chỉ giới phân tích, bản thân VPBank cũng tin rằng với sự tham gia của SMBC, VPBank sẽ củng cố được vị trí số một về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, sự hợp tác này còn trở nên quan trọng hơn khi làn sóng dịch COVID-19 bùng phát khiến mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh đó, trong quý III, ngân hàng SHB cũng đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan.
Theo thỏa thuận, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm. Đại diện của Krungsri cho biết ngân hàng này sẽ chi gần 156 triệu USD cho thương vụ, tương đương khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.
Mới đây nhất, lãnh đạo MSB cho biết đã ký thỏa thuận bảo mật với các đối tác trong việc bán 100% vốn của công ty tài chính FCCOM. Lợi nhuận ước tính từ thương vụ này là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Năm 2021 còn đóng nhận làn gió mới khi bộ máy quản trị của các ngân hàng đang được trẻ hóa với sự góp mặt của những lãnh đạo 8x, thậm chí 9x. Không những tuổi trẻ, họ còn nắm giữ những vị trí quan trọng như chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc...
Vào tháng 5, bà Trần Thị Thu Hằng đã được hội đồng quản trị thống nhất bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 – 2022, trở thành nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay khi mới 36 tuổi (sinh năm 1985).
Tháng 9, VietABank bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức Chủ tịch HĐQT khi mới 38 tuổi (sinh năm 1983). Trước đó, HĐQT Vietbank cũng đã thống nhất bầu ông Dương Nhất Nguyên (sinh năm 1983) - Thành viên HĐQT giữ chức danh Chủ tịch ngân hàng.
Sự chuyển giao thế hệ tại các vị trí "ghế nóng" được kỳ vọng sẽ đổi mới bộ mặt các nhà băng, phù hợp với các mục tiêu mới trong tương lai, đặc biệt với những chiến lược chuyển đổi số.
Hay tại chính cơ quan đầu ngành như Ngân hàng Nhà nước cũng có những sự bổ sung trong ban lãnh đạo. Vào tháng 11, Thủ tướng đã bổ nhiệm hai tân Phó Thống đốc mới là ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Vụ trưởng Thanh toán và ông Phạm Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách tiền tệ.