|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022

16:59 | 29/12/2021
Chia sẻ
Tính tới 28/12, tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so với cuối năm trước. Ước tính với con số này, khoảng hơn 1,4 triệu tỷ đồng sẽ được bơm thêm ra thị trường trong năm tới.

Cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 chiều 29/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã công bố kế hoạch điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2022.

Theo đó, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Con số này trong năm 2021 ước đạt 13,5% - 14%, tính đến 28/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,97% với tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng.

NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,... kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Về quản lý nợ xấu, NHNN cho biết sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan. 

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng phấn đầu duy trì ở mức an toàn (dưới 3%).

NHNN cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo "Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ngoài ra, các vấn đề về hoàn thiện các khung pháp lý, đẩy mạnh chuyển đổi số,... cũng là những nhiệm vụ mà ngành sẽ chú trọng thực hiện trong năm tới.

Diệp Bình