|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng ngày càng khó bán bảo hiểm, có nhà băng giảm gần 70% doanh thu phí khai thác mới nửa đầu năm

16:33 | 17/08/2023
Chia sẻ
Hậu lùm xùm bảo hiểm, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng không còn "màu mỡ" như trước. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh, có nơi giảm tới gần 70%.

Theo số liệu thống kê từ Chứng khoán SSI (SSI Reserch), doanh thu phí bảo hiểm mới qua kênh bán chéo ngân hàng (bancassurance) đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt trong quý II.

Trong 13 ngân hàng khảo sát, trừ Vietcombank, các ngân hàng còn lại đều ghi nhận doanh thu này giảm trong 6 tháng đầu năm, thậm chí có 4 ngân hàng ghi nhận mức giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm mới tại VIB và TPBank cùng giảm 68%, tại Techcombank giảm 60% và tại MB giảm 54%.

 

Theo thống kê của chúng tôi, thu nhập từ từ hoạt động bán chéo bảo hiểm của một số ngân hàng giảm tới 80-90% so với cùng kỳ năm trước.

Tại 8 nhà băng công bố chi tiết về thu nhập mảng bảo hiểm, doanh thu 6 tháng đầu năm của mảng này chỉ đạt hơn 6.500 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ trong khi đó doanh thu từ hoạt động dịch vụ vẫn tiếp tục tăng.

 

 

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.867 tỷ đồng giảm 34,2 % so với cùng kỳ năm trước. Số hợp đồng khai thác mới chỉ đạt 860.740 hợp đồng, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này cho thấy bức tranh xám màu của kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng. Trong khi những năm trước, đây là kênh mang lại phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong năm 2022 có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, chiếm 46% doanh số khai thác mới…

Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số. Trong đó 36,3% tổng số hợp đồng khai thác mới trong năm 2022 là hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, 21,9% là liên kết đơn vị.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, sự tăng trưởng nóng của những sản phẩm phức tạp như bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đầu tư là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay.

Cũng trong năm 2022, IAV đã ghi nhận hơn 3.100 đại lý vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: làm song song hai doanh nghiệp bảo hiểm, sai phạm về kê khai tài chính, tuyên truyền quảng cáo sai sản phẩm và dịch vụ… Trong 3 năm trở lại đây, con số vi phạm đã tăng lên hơn 9.000 trường hợp.

Trong kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm rất cao, có nơi lên tới 73%. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn tỷ đồng đóng bảo hiểm của khách hàng trong năm đầu tiên bị "mất trắng".

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê (GSO), tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2023 ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.600 tỷ đồng (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81.400 tỷ đồng (giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022). 

 

 

Huyền Phương