|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sau khủng hoảng niềm tin, bảo hiểm không còn là 'trái ngọt' của các ngân hàng

07:00 | 11/08/2023
Chia sẻ
Trong nửa đầu năm 2023, thu từ hoạt động bảo hiểm tại các ngân hàng đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước, có nơi giảm tới 80 - 90%.

Hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là một nguồn thu lớn với các nhà băng. Một số ngân hàng, chẳng hạn như MB, từng kiếm về hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm vào năm 2022, chiếm khoảng 72% tổng thu nhập mảng dịch vụ. 

Tuy nhiên, loạt lùm xùm liên quan đến bancassurance đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam. 

Hậu quả từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành bảo hiểm có thể được nhìn thấy trong thu nhập từ bảo hiểm của một số ngân hàng nửa đầu năm 2022.

Trong số 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có 8 ngân hàng đưa ra thông tin chi tiết về khoản mục thu nhập từ hoạt động bảo hiểm nằm trong thu nhập từ hoạt động dịch vụ và phần lớn trong số đó đều ghi nhận giảm.

 

Cụ thể, MB, ngân hàng liên tục dẫn đầu trong danh sách, đã ghi nhận thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 17,1% xuống còn gần 4.200 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Cùng kỳ năm ngoái, MB kiếm được gần 5.100 tỷ đồng, trong khi chi phí hơn 3.100 tỷ đồng, thu về lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm gần 2.000 tỷ đồng. Sang năm nay, khoản lãi thuần này đã thu hẹp còn gần 1.600 tỷ đồng.

Ngoại trừ PG Bank, 7 ngân hàng còn lại đều ghi nhận doanh thu từ hoạt động bảo hiểm sụt giảm, một số giảm tới 80-90%. Trong trường hợp của PG Bank, thu từ dịch vụ bảo hiểm đã tăng từ 5 tỷ đồng lên 11 tỷ đồng, tương đối nhỏ nếu so với những cái tên thuộc top đầu như MB, VPBank hay VIB.

Tổng cộng, doanh thu từ bảo hiểm của 8 nhà băng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 6.500 tỷ đồng, giảm 24,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của 29 nhà băng đã báo cáo vẫn tăng khoảng 8,8%.

Nếu chỉ xét riêng 8 ngân hàng có số liệu thu từ bảo hiểm, doanh thu từ hoạt động dịch vụ vẫn tăng khoảng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tỷ trọng thu từ bảo hiểm trên thu nhập từ dịch vụ tụt từ 39,7% vào nửa đầu năm ngoái xuống chỉ còn 29,9%.

Bảo hiểm đang đóng góp ít hơn vào thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng.

Ngành bảo hiểm nhân thọ gặp khó

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê (GSO), tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2023 ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35.600 tỷ đồng (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022) và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 81.400 tỷ đồng (giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022). Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35.300 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

(Ảnh: Vietnam Report, Khảo sát DNBH trong tháng 6/2022 và tháng 6/2023).

Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng việc "Xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ" là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023.

Thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh bancassurance và hai vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần. Những sự việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành Bảo hiểm, đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua. 

Vietnam Report cho rằng ngoài những ảnh hưởng tiêu cực, cuộc khủng hoảng niềm tin cũng là cơ hội để toàn ngành bảo hiểm nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn.

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).