|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Toàn cảnh ngân hàng nửa đầu năm 2023: Thu nhập lãi thuần đạt đỉnh và đang giảm, NIM khó phục hồi trong nửa cuối năm

07:31 | 13/08/2023
Chia sẻ
6 tháng đầu năm 2023 thể hiện một bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng tương đối kém sắc. Thu nhập lãi thuần đạt đỉnh và đang giảm, NIM khó phục hồi trong nửa cuối năm trong khi áp lực nợ xấu tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS lớn.

Các con số trên báo cáo tài chính ngân hàng thể hiện hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đã kém đi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp khi nguồn cung cho vay thắt chặt đối với lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khấu do thiếu đơn hàng.

Thống kê từ WiGroup cho thấy lợi nhuận sau thuế toàn ngành ngân hàng quý II đạt 50.134 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ nhưng điểm tích cực là tốc độ sụt giảm lợi nhuận đã hạ nhiệt so với quý trước đó. 

 Nguồn: Widata.

 Sự sụt giảm lợi nhuận chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại (NHTM) khác như NCB, ABBank,…(giảm trung bình 72,1% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi nhóm NHTM nhà nước và NHTM lớn có lợi nhuận biến động không lớn (giảm trung bình 0,5% so với cùng kỳ năm trước).

Nguồn: Widata.

Có 16/29 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trung bình 33,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm 2023 vẫn đang ở mức thấp. Trong đó, Vietcombank, đầu tàu động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho toàn ngành chỉ mới đạt 24% kế hoạch.

 Nguồn: Widata.

P/B hiện tại của ngành đang quanh mức 1,64 lần khá gần với mức trung bình toàn ngành trong 10 năm trở lại là 1,79 lần. WiGroup đánh giá mức định giá hiện tại của nhóm ngành không quá hấp dẫn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tại một số ngân hàng.

 Nguồn: Widata.

Thu nhập lãi thuần đạt đỉnh và đang giảm, NIM khó phục hồi trong nửa cuối năm

Đi sâu hơn về cơ cấu lợi nhuận các ngân hàng có thể nhận thấy thu nhập từ hoạt động cho vay đã đạt đỉnh trong quý IV/2022 và giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng bù lại thu nhập từ các mảng khác như hoạt động dịch vụ và hoạt động khác tăng trưởng, tăng trung bình 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Widata.

Ngoài ra, chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã giảm gần 6,42% so với cùng kỳ đã góp phần kìm hãm đà giảm lợi nhuận sau thuế toàn ngành.

Nguồn: Widata.

 Bóc tách thu nhập lãi thuần cho thấy NIM toàn ngành sụt giảm từ mức 3,59% trong quý I/2023 xuống còn 3,43% trong quý II/2023 do tỷ lệ lợi tức trên tài sản sinh lãi (YEA) giảm trong khi chi phí vốn huy động (COF) tăng.

Mặc dù, lãi suất huy động trong quý I bắt đầu giảm nhưng vẫn chưa phản ánh vào chi phí hoạt động (COF) của ngân hàng do độ trễ của kỳ hạn.

Cùng với đó là tỷ lệ CASA tiếp tục duy trì ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất huy động sụt giảm, khách hàng có xu hướng tối ưu dòng vốn bằng cách tìm đến kênh có mức sinh lời cao hơn. Hai yếu tố này đã ảnh hưởng tác động đến thu nhập lãi thuần toàn ngành sụt giảm.

Đến cuối quý II, phần lớn ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm ở NIM. Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Sacombank, VIB và VietinBank có thể duy trì mức NIM cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, VIB và VietinBank đã thành công trong việc tận dụng nguồn vốn liên ngân hàng (có sự sụt giảm mạnh trong quý II/2023).

NIM của Sacombank cải thiện mạnh trong 2023 khi không còn áp lực lãi dự thu. Trong khi đó, NIM của VPBank, Techcombank, LPBank và TPBank tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và BĐS vẫn gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.

 Nguồn: Widata.

 Nguồn: Widata.

"Chúng tôi cho rằng, NIM toàn ngành ngân hàng vẫn chưa thể phục hồi ngay trong hai quý cuối năm do lãi suất cho vay duy trì ở mức cao tại kênh có rủi ro cao như BĐS nhưng tín dụng không chảy vào thị trường này và áp lực huy động nguồn vốn giá rẻ sụt giảm trong bối cảnh lãi suất huy động giảm", WiGroup nhận định.

Những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao sẽ hưởng lợi về tăng trưởng tín dụng

Cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng nhóm các tổ chức tín dụng khảo sát chỉ đạt 9,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất kể từ giai đoạn năm 2012. Những ngân hàng có tỷ lệ cho vay BĐS cao như Techcombank, HDBank có tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong quý này, đạt lần lượt 0,57% và 0,19% so với quý trước. Điều này cho thấy thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn.

Trái lại, những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao như ACB, VIB, OCB,... đạt mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng (cho thấy dấu hiệu phục hồi nhẹ từ mảng bán lẻ).

WiGroup cho rằng những ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ cao sẽ tiếp tục hưởng lợi khi Việt Nam đang dần bước vào giai đoạn phục hồi. Ngược lại, những ngân hàng có tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ BĐS sẽ tiếp tục gặp khó do chính sách siết tín dụng sẽ giới hạn khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

 

 Nguồn: Widata.

Áp lực nợ xấu tăng cao

Nợ xấu, rủi ro được đánh giá cao nhất với các ngân hàng tiếp tục hiện hữu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (NPL) của toàn ngành đã tăng mạnh trong quý II đạt mức 2,04% (tăng 36% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, ảnh hưởng bởi sự gia tăng của nợ nhóm 2 trong quý trước (tăng 27% so với cùng kỳ) đã phản ánh lên tỷ lệ nợ xấu trong quý này.

Tăng trưởng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến từ khối NHTM lớn và NHTM khác, trong khi khối NHTM Nhà nước tăng trưởng nợ xấu không cao.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại phần lớn ngân hàng đều ghi nhận sụt giảm ngoại trừ Vietcombank cho thấy bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã không còn được như trước. 

Áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường BĐS gặp khó về thanh khoản.

 

Nguồn: WiData.

Tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng của thị trường BĐS đạt 411.659 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 23% so với cùng quý). Đây là mức dư nợ cao nhất trong 5 năm trở lại và tăng trưởng tín dụng tại lĩnh vực này cũng cao hơn so với các lĩnh vực khác.

Do đó, sự suy yếu của thị trường này sẽ gây ra áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS cao như Techcombank, VPBank, SHB,…

 

 

Diệp Bình