Năm 2022: Thách thức lớn nhất của các ngân hàng là nợ xấu, lợi nhuận được kỳ vọng tăng trưởng tích cực
Bất chấp những rủi ro về thị trường quốc tế và sự xuất hiện các biến chủng COVID-19, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn mức trung bình thị trường.
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành dự báo đạt 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 14%. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ phân hóa trong năm, trong đó đà tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm.
Cùng với đó là triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn, tăng 20% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng được kiểm soát nhờ kinh tế dần hồi phục; bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực. Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank và MSB.
Chia sẻ với người viết, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, chỉ ra ba động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng năm 2022. Đầu tiên là kinh tế được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2021.
"Nếu Việt Nam phòng chống dịch tốt, Việt Nam thực hiện tốt chương trình phục hồi thì tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 6,5-7%. Như thế sẽ kéo theo những nhu cầu về tín dụng và dịch vụ ngân hàng, hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn, qua đó tăng khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Theo đó, tín dụng năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 14%", chuyên gia nhận định.
Hai yếu tố còn lại là sự đa dạng về dịch vụ, nhất là những dịch vụ thanh toán, dịch vụ mới trên nên tảng số và đẩy mạnh chuyển đổi số, qua đó tiết giảm chi phí và tăng thu từ dịch vụ ngân hàng số.
Ông dự báo lợi nhuận hệ thống ngân hàng trong năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng thấp hơn năm 2021, có thể xoay quanh mức 15 - 20%. Tuy nhiên, những rủi ro như sự xuất hiện biến chủng Omicron có thể giảm đà tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng khi diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Mặc dù vậy, chuyên gia cho rằng quá trình này sẽ ở mức kiểm soát được do những kinh nghiệm phòng chống dịch trước đó tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trong năm tới cũng sẽ tích cực vào cuộc để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có cấu phần về hỗ trợ lãi xuất và một gói đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỳ vọng giảm khó khăn một số dự án BT, BOT.
Ngoài ra, một số phân khúc bất động sản, nhà ở, khu công nghiệp phát triển tích cực, qua đó kỳ vọng khoản tín dụng đối với lĩnh vực này sẽ khả quan hơn.
Trong kết quả điều tra do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây, 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.
Tăng vốn điều lệ là một trong những động lực chính làm tăng năng lực và sức cạnh tranh của ngành ngân hàng trong thời gian tới.
Trước diễn biến thị trường thuận lợi, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2022. Trong đó phải kể đến VPBank với tham vọng tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, từ mức 45.058 tỷ đồng hiện tại, để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trong năm, đường đua tăng vốn điều lệ sẽ còn "nóng" bởi nhóm quốc doanh khi Vietcombank vẫn còn kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. BIDV cũng sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Trong khi đó, VietinBank còn đặt tham vọng lớn hơn với kế hoạch đưa vốn điều lệ đến cuối năm lên mức 54.134 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua, VietinBank sẽ tiếp tục chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17,8% đối với trường hợp chưa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ cổ tức 2017, 2018 và 12,6% đối với trường hợp đã hoàn thành.
Bước vào năm 2022, nhiều ngân hàng tư nhân cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng và thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu khi các thông tin cụ thể được công bố.
Mới đây, tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích hôm 21/12, Tổng Giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021.
Các chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) cho rằng cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro.
Năm 2022, hoạt động nâng vốn điều lệ cũng như cải thiện hệ số CAR trong thời gian qua, cùng với sự “bình thường mới” của các tỉnh thành và gói hỗ trợ kinh tế dự kiến lên tới 800.000 tỷ đồng được triển khai sẽ giúp nhu cầu sản xuất kinh doanh dần phục hồi và mở rộng, tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn, theo Chứng khoán Agribank (Agriseco).
Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được NHNN xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III.
Đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi là chủ trương của các ngân hàng trong những năm gần đây nhưng càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi đại dịch diễn ra. Các dịch vụ thanh toán bùng nổ, cuộc đua thanh toán điện tử, ngân hàng số của hệ thống ngân hàng ngày càng nóng.
Trong dài hạn, nhóm phân tích của VCBS nhận định thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phân tán rủi ro và đa dạng hóa nguồn thu, các dịch vụ được tập trung là ngân hàng số và thẻ. Đồng thời giảm nguồn lực cho hoạt động thanh toán và tập trung phát triển các dịch vụ thu phí tốt hơn như bancassurance và dịch vụ ngân hàng đầu tư.
Các hoạt động môi giới, tư vấn bảo lãnh phát hành, quản lý tài sản… cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong điều kiện môi trường lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Một công ty chứng khoán khác, VNDirect, kỳ vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng thu nhập ngoài lãi ổn định vào năm tới dựa vào thu nhập từ phí và bảo hiểm sẽ là nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng này.
"Đa số các ngân hàng đã tập trung phát triển và gia tăng thu nhập từ bảo hiểm trong vài năm qua bằng cách hợp tác với các đối tác như Prudential, Dai-Ichi Life, Manulife, và FWD. Riêng 6 năm vừa qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh với mức tăng trưởng kép 27%", VNDirect cho biết.
Các chuyên gia tin rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tương lai nhờ 4 yếu tố: tỷ lệ thâm nhập thị trường thấp so với các nước khác (1,5% so với mức trung bình khu vực 5,5%); mức độ hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm được cải thiện; xu hướng chuyển đổi số và thu nhập bình quân trên đầu người gia tăng cùng với sự hồi phục của nền kinh tế hậu COVID-19.
Trong năm 2021, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tích cực với đóng góp chủ yếu tư thu nhập dịch vụ. Cụ thể, thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 24,9% trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Trong đó, thu nhập tư hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh nhờ vào phí bán chéo bảo hiểm (bao gồm phí Upfront được ghi nhận cho hợp đồng mới), phí thanh toán qua ngân hàng số và phí tư thẻ.
9 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng thu nhập duy trì trong khoảng 10 -12%. Một số ngân hàng có tỷ trọng cao bao gồm MSB (32%), Sacombank (18%), VIB (17%) và Techcombank (16%).
Bên cạnh thu ngoài lãi, trong năm tới, các chuyên gia cũng kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ chuyển mình nhờ quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư
Thêm vào đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.
Số liệu của VCBS cho thấy lượng giao dịch chuyển khoản tăng 106% so với cùng kỳ trong năm 2020 và tăng 40% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021. Từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2021, có hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở theo phương thức eKYC.
Ngoài ra, các NHTM cũng tích cực đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện như eKYC, open API, tự động hóa quy trình thủ tục, cung cấp các dịch vụ online như mở tài khoản, cấp tín dụng, mua trái phiếu, phát hành L/C, chuyển tiền quốc tế...
Thậm chí, một số ngân hàng đi trước về số hóa và ở các các hoạt động khác như tăng trưởng tín dụng, thu hút khách hàng,… nhờ nắm bắt được lượng data lớn.
Bên cạnh những điểm sáng triển vọng, năm 2022 cũng là năm mà dự kiến hệ thống ngân hàng phải chịu áp lực lớn từ nợ xấu.
Nhiều kịch bản về nợ xấu được đưa ra trong năm trước diễn biến không chắc chắn của đại dịch. Song, các chuyên gia cho rằng độ tin cậy chưa thể xác định do độ trễ và khả năng phân loại lại nợ sau thời gian thử thách và phục hồi. Trong trường hợp cơ sở, sẽ có phân loại lại nợ vào các nhóm tốt hơn, giúp giảm bớt áp lực lên nợ xấu.
Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ tiềm ẩn và nợ đã được cơ cấu lại theo Thông tư 01 ở mức 7,31% vào thời điểm cuối năm 2021. Chứng khoán SSI cho rằng con số thực tế nợ xấu của các ngân hàng sẽ lộ diện sau 30/6 do sẽ không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này.
Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng xu hướng nợ xấu hiện nay đã và đang bị tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh và là một trong những thách thức lớn nhất trong năm tới. Ông dự báo trong năm 2022, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%, nếu tính cả nợ đã bán VAMC và nợ tiểm ẩn khoảng 7,31%.
Theo VCBS, nợ xấu tăng lên trong thời gian qua có mức độ phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng. Cụ thể, khoảng 2 - 2,5% đến từ SCB; 0,5% đến từ Sacombank và khoảng 4% dư nợ tái cơ cấu, theo số liệu của VCBS.
Bức tranh nợ xấu cũng có những nét tích cực. Trong năm 2020, lượng dư nợ tái cơ cấu đã từng chạm mốc 4% và giảm mạnh ở giai đoạn sau đó khi nền kinh tế được mở của trở lại, điều này được kỳ vọng sẽ duy trì trong năm 2022 khi nền kinh tế sẽ về trạng thái "bình thường mới".
Trong khoảng thời gian qua, nhiều ngân hàng với chất lượng tài sản tốt không ghi nhận tình trạng nợ xấu mới tăng vượt mức kiểm soát.
Đồng thời, việc thu hồi và xử lý các khoản nợ cũng có những triển biến tốt. Bất động sản, tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay, hiện đang tăng giá mạnh và hoạt động thu hồi nợ xấu vì thế dễ dàng hơn so với giai đoạn trước. Một số ngân hàng khác ghi nhận tỷ trọng cho vay bảo đảm bằng ô tô cũng không gặp khó khăn trong việc thu hồi tài sản do ô tô khi vay đứng tên ngân hàng.