Ngành bảo hiểm tái cấu trúc sau 'cơn gió ngược'
Sau những "lùm xùm" xảy ra hồi đầu năm liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung chứng kiến sự suy giảm đáng kể về niềm tin cũng như doanh thu phí dịch vụ.
Cuộc khủng hoảng niềm tin cộng thêm bối cảnh kinh tế suy thoái khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít thách thức, khó khăn. Tuy vậy, ở góc độ tích cực, đây cũng là đợt "thanh lọc" để thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch, bền vững hơn, nhằm nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.
Bancassurance "thất thủ"
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỷ, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ 2022; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỷ đồng, giảm 7,9% với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chứng kiến sự suy giảm mạnh. Số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận giảm tới 31,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 1 triệu hợp đồng (sản phẩm chính). Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 61,2%, giảm tới 34,4%; Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 16,2%, giảm 52,5%; Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,7%, giảm 17,6%...
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dù doanh thu suy giảm, song các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lại ghi nhận con số trả tiền bảo hiểm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, khi đã thực hiện chi trả tới 25.850 tỷ đồng, tăng 37,1% với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng đáng kể trong nửa đầu năm nay.
Không chỉ vậy, một trong những kênh phân phối chính của ngành bảo hiểm thời gian gần đây là bancassurance cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, kéo giảm thu nhập ngoài lãi của hầu hết các ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) - ngân hàng nằm trong top đầu doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Báo cáo tài chính bán niên của ngân hàng này cho thấy khoản thu phí từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB Bank đạt gần 4.195 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ.
Nửa đầu năm nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng chỉ ghi nhận khoản thu phí từ dịch vụ bảo hiểm đạt 290 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ; Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 315 tỷ đồng từ dịch vụ bảo hiểm, giảm 46%; Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24%...
Sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong thời gian qua được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Những tồn tại, bất cập trong khâu tư vấn dịch vụ và đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng niềm tin xảy ra vào quý I/2023 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm mạnh của ngành trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh đó, một số khách hàng lợi dụng tình hình thị trường khó khăn "tát nước theo mưa" đòi hủy hợp đồng để được hoàn tiền, gian lận bảo hiểm... Trong đó, có trường hợp đã từng yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm, thậm chí là đã được chi trả quyền lợi nhưng vẫn muốn hủy hợp đồng và xin được hoàn phí. Hay khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, đã rút phần giá trị đầu tư và bán đi khi giá quỹ tăng để sinh lãi, sau đó vẫn quay lại xin hủy hợp đồng và hoàn phí.
Khách hàng xin hủy hợp đồng và xin hoàn phí với lý do bị tư vấn sai, tuy nhiên sau đó phát hiện ra có quyền lợi bệnh lý nghiệm trọng lại muốn xin được bồi thường quyền lợi chứ không muốn hủy hợp đồng… Những điều này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt với nhiều thách thức trong giải quyết khiếu nại, tranh chấp cũng như mất nhiều thời gian, chi phí trong hoạt động.
Ngoài ra, sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa đầu năm nay không hoàn toàn đến từ cuộc khủng hoảng niềm tin mà còn đang "ngấm đòn" từ suy thoái kinh tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sức ép về chi phí sinh hoạt tăng lên… Đây cũng là nguyên nhân có thể kéo dài đà suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023, thậm chí có thể ảnh hưởng qua những năm sau.
Tập trung cải thiện chất lượng tư vấn, dịch vụ
Theo các chuyên gia, ngành bảo hiểm đã trải qua chu kỳ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng lên tới 20-30%/năm. Do đó, việc suy giảm, điều chỉnh trong thời gian gần đây là điều khó tránh khỏi, bởi không có thị trường nào duy trì đà tăng liên tục. Đây được cho là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời gian tới.
Sau khủng hoảng niềm tin vừa qua, một số công ty bảo hiểm đứng đầu thị trường như Prudential, Manulife… đã có động thái thay đổi vị trí "ghế nóng", nhằm mang tới "làn gió mới" cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở thị trường Việt Nam. Đây đều là những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bảo hiểm và am hiểu thị trường bản địa.
Theo ông Anantharaman, Tân Tổng giám đốc FDW Việt Nam, Việt Nam là thị trường năng động và giàu tiềm năng tại Châu Á. Do đó, FDW sẽ tiếp tục mang những sản phẩm và dịch vụ đơn giản, dễ hiểu, được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số đến với nhiều người Việt Nam hơn, qua đó tiếp tục thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm. Đáng chú ý, Tập đoàn cũng tiếp tục gia tăng đầu tư và nâng vốn điều lệ của FWD Việt Nam lên 19.102 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định cam kết phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.
Tại Manulife, công ty này cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD ở thị trường Việt Nam. Sau biến cố vừa qua, Manulife đã tập trung tái cấu trúc, thay đổi chiến lược kinh doanh của mình, nhằm nâng cao chất lượng tư vấn dịch vụ.
Đại diện Manulife cho biết, hiện công ty đang tập trung thực hiện chiến lược bảo hiểm minh bạch, bắt đầu bằng việc tất cả khách hàng khi mua sản phẩm mới của công ty sẽ được tư vấn đầy đủ; các cuộc tư vấn sẽ được ghi âm, ghi hình…, được giải thích rõ ràng về sản phẩm.
Điều này giúp khách hàng hiểu về sản phẩm trước khi quyết định tham gia hợp đồng. Bên cạnh đó, Manulife cũng tập trung vào việc số hóa các dịch vụ bảo hiểm; nâng cao chất lượng trải nghiệm dịch vụ khách hàng…
Không riêng doanh nghiệp bảo hiểm, các ngân hàng - đối tác chính của ngành bảo hiểm thời gian gần đây cũng đang ưu tiên tái cấu trúc hoạt động phân phối, cải thiện hoạt động tư vấn dịch vụ.
Tại Techcombank, nhằm bổ trợ phương pháp tư vấn dựa trên nhu cầu hiện đang được áp dụng, ngân hàng này đã triển khai nền tảng quản lý quan hệ khách hàng, sau khi cho ra mắt iTCBlife – một công cụ phân tích nhu cầu vào năm ngoái. Techcombank cũng đã thành lập một tổng đài tư vấn bảo hiểm qua điện thoại để giải quyết mọi thắc mắc của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của Techcombank, năm 2023 cũng là năm ngân hàng đầu tư mạnh nhất vào kênh bancassurance. Techcombank đã hợp tác với đối tác để thiết lập lại toàn bộ quá trình tư vấn dựa trên nhu cầu khách hàng. Song song đó, ngân hàng cũng tập trung số hóa dịch vụ, tiến tới mở rộng kênh trực tuyến để khách hàng tiếp cận dịch vụ một cách đầy đủ.
"Mặc dù thị trường bảo hiểm đang đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên với các giải pháp bài bản, hướng đến khách hàng là trọng tâm, chúng tôi kỳ vọng mảng bancassurance của Techcombank sẽ phục hồi trở lại trong thời gian tới. Vì các khảo sát cho thấy, bảo hiểm là nhu cầu cần thiết của khách hàng. Đây là cơ hội mà ngân hàng có thể nâng cao thu nhập ngoài lãi, bổ sung vào kết quả kinh doanh trong năm 2023", ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của các mắt xích trong ngành, hoạt động kinh doanh bảo hiểm kỳ vọng sẽ cải thiện theo hướng minh bạch hơn khi những bất cập, bức xúc trên thị trường thời gian qua sẽ được quy định rõ trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 có hiệu lực đầu năm nay. Hiện ngành bảo hiểm đang chờ các văn bản dưới Luật để có căn cứ pháp lý thực hiện.