|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ kết năm 2021 tăng gần 27%, chuẩn bị năm 2022 lắm thách thức

10:19 | 01/01/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ kết phiên 31/12 trong sắc đỏ, nhưng nếu xét chung cả năm 2021, các chỉ số đều đi lên mạnh mẽ bất chấp những thách thức từ COVID-19.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ngày 31/12 giảm gần 60 điểm, tương đương 0,16%, và dừng ở 36.338,3 điểm. S&P 500 đi xuống 0,26% và kết phiên ở 4.766,18 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,61% còn 15.644,97 điểm.

Ba chỉ số đều đi lên khi xét cả tháng 12 cũng như cả năm 2021. Dow Jones ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp còn Nasdaq có chuỗi 6 tháng tăng liên tục. Trong khi đó, S&P 500 hồi phục sau khi sụt giảm trong tháng 11.

Chứng khoán Mỹ kết năm 2021 tăng gần 27%, chuẩn bị năm 2022 lắm thách thức - Ảnh 1.

S&P 500 tăng trong 9/12 tháng của năm 2021.

Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng tăng trưởng hai chữ số trong năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu quá trình hồi phục từ hố sâu đại dịch. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng được áp dụng từ đầu dịch. Dự kiến từ 2022, Fed mới bắt đầu nâng lãi suất.

CNBC dẫn lời ông Chris Haverland, chuyên gia chiến lược cổ phiếu toàn cầu của Wells Fargo Investment Institute nhận định: "2021 lại là một năm phi thường nữa của thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ hết sức thuận lợi".

Ngoài ra, lợi nhuận doanh nghiệp cao cũng tác động tích cực tới giá cổ phiếu tại Mỹ, ông Haverland nói thêm. Theo FactSet, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của cả năm 2021 có thể đạt 45,1%, cao nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 2008.

"Đợt hồi phục kinh tế và lợi nhuận bắt đầu từ năm 2020 và kéo dài sang năm 2021, nâng thị trường chứng khoán lên đỉnh lịch sử. Tăng trưởng của năm 2020 được thúc đẩy bởi sự mở rộng của tỷ lệ P/E, còn thành tích của năm 2021 được tạo ra bởi sự cải thiện của lợi nhuận", ông Haverland nhận xét.

Chứng khoán Mỹ kết năm 2021 tăng gần 27%, chuẩn bị năm 2022 lắm thách thức - Ảnh 3.

Trong năm qua, S&P 500 ghi nhận 70 phiên đóng cửa ở đỉnh lịch sử, mức cao thứ 2 sau con số 77 phiên phá đỉnh của năm 1995. Từ tháng 11/2020 đến hết 12/2021, chỉ số này lập kỷ lục mới ít nhất một lần mỗi tháng. Khoảng thời gian dài nhất của năm 2021 mà S&P 500 không lên đỉnh là 33 ngày từ 2/9 đến 21/10.

Năng lượng và bất động sản là các nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất S&P 500 trong năm qua khi vọt lên hơn 40%. Công nghệ và tài chính cũng tăng hơn 30%.

Cổ phiếu dầu khí Devon Energy là mã bứt tốc mạnh mẽ nhất S&P 500 trong năm 2021 với mức tăng 178,6%. Marathon Oil và Moderna đứng sau với tỷ lệ hơn 140%. Đại gia xe hơi Ford cũng góp mặt trong top đầu S&P 500 khi tăng tới 136%, ghi nhận năm tích cực nhất kể từ 2009.

Home Depot và Microsoft dẫn đầu 30 cổ phiếu bluechip trong chỉ số Dow Jones khi cùng tăng hơn 50%. Alphabet, Apple, Meta Platforms và Tesla là những mã tăng mạnh nhất Nasdaq Composite.

Chứng khoán Mỹ kết năm 2021 tăng gần 27%, chuẩn bị năm 2022 lắm thách thức - Ảnh 4.

Năng lượng và bất động sản là những nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Mỹ năm 2021.

Thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa rực rỡ bất chấp COVID-19 liên tục tái bùng phát với biến thể Delta và gần đây hơn là biến thể Omicron.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này đã ghi nhận tổng cộng 53 triệu ca dương tính và hơn 820.000 trường hợp tử vong vì COVID-19. Có nhiều giai đoạn, Mỹ phát hiện hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Việc vắc xin được triển khai trên diện rộng đã giúp thay đổi cán cân trong cuộc chiến chống dịch bệnh, giúp nhà đầu tư lạc quan hơn về thị trường.

Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia vẫn dự báo năm 2022 sẽ có nhiều thách thức do Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cao dai dẳng.

Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton dự báo nửa sau năm 2022 sẽ đầy rẫy khó khăn.

Đức Quyền - Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.