Go-Jek tuyên bố chỉ đặt mục tiêu dịch vụ gọi xe ở mức hoà vốn, vậy hãng sẽ sinh lời từ đâu?
Dịch vụ gọi xe chiếm chưa đến 1/4 tổng giá trị giao dịch của Go-Jek
Ông Nadiem Makarim, Giám đốc điều hành (CEO) của Go-Jek, chia sẻ với Nikkei trong cuộc phỏng vấn mới đây: "Tài sản mạnh nhất của Go-Jek là chúng tôi không cần đến dịch vụ đặt xe 4 bánh để có lãi. Dịch vụ gọi xe… chiếm chưa đến 25% tổng giá trị giao dịch của Go-Jek. Mảng giao đồ ăn và thanh toán thậm chí còn lớn hơn nhiều."
Anh nói thêm rằng Go-Jek xây dựng doanh nghiệp với giả định dịch vụ gọi xe chỉ dừng ở mức hòa vốn. Việc có lợi nhuận ở dịch vụ gọi xe là kịch bản lạc quan.
Khẳng định của Giám đốc Go-Jek được đưa ra trong bối cảnh sự hoài nghi ngày càng tăng đối với các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe, sau đợt chào bán cổ phiếu công khai lần đầu tiên (IPO) của Uber vào tháng 5.
Uber – startup nổi lên từ Thung lũng Silicon tiên phong trong lĩnh vực gọi xe - đã trở thành công ty công nghệ tư nhân lớn thứ hai thế giới chỉ sau Bytedance. Trong tài liệu IPO, Uber công bố khoản lỗ luỹ kế 12 tỉ USD. Sau niêm yết, cổ phiếu của hãng giảm sâu, trái ngược với kì vọng của các giám đốc và nhà đầu tư của Uber. Từ trường hợp của Uber, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu mức định giá hiện tại với các công ty gọi xe khác đã thực sự tương xứng?
Tập trung vào xe máy: Thu lời từ giao đồ ăn và thanh toán
Là công ty tư nhân có giá trị nhất ở Indonesia, Go-Jek được coi là một phần của làn sóng dịch vụ gọi xe như Uber khi họ tung ứng dụng đặt xe máy vào tháng 1/2015. Đối mặt với sự hoài nghi ngày càng gia tăng về khả năng tạo ra lợi nhuận, hãng lên tiếng: "Go-Jek không phải là Uber".
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Go-Jek và các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe điển hình khác, CEO của công ty nói: "Mọi thứ."
Ông Nadiem Makarim, Giám đốc điều hành (CEO) của Go-Jek. Ảnh: Nikkei.
Nadiem nhấn mạnh dịch vụ gọi xe máy là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động kinh doanh tổng thể của Go-Jek không phải vì nó là "cỗ máy hái tiền", mà bởi vì đây là dịch vụ được sử dụng thường xuyên, thu hút người dân sử dụng ứng dụng và cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho 2 triệu tài xế của hãng. Công ty đã cung cấp hơn 10 dịch vụ khác nhau. Mảng giao đồ ăn và thanh toán lần lượt đóng góp 2 tỉ USD và 6,3 tỉ USD trong tổng giá trị giao dịch của Go-Jek trong năm gần nhất.
Dịch vụ gọi xe của Go-Jek phụ thuộc chủ yếu vào xe máy mà không phải xe 4 bánh. Xe hai bánh là cách "luồn lách" phổ biến trên các đường phố tắc nghẽn ở Indonesia và các khu vực khác của Đông Nam Á.
Việc đẩy mạnh các dịch vụ ngoài gọi xe là chiến lược của Go-Jek nhằm tận dụng sức hút của dịch vụ gọi xe, kéo khách hàng quay trở lại với dòng doanh thu từ các cửa hiệu và nhà hàng.
CEO Go-Jek từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể về việc có lợi nhuận. Ông cho biết, công ty dự định "tái đầu tư mọi thứ để tăng trưởng" nhằm chiếm thị phần. Go-Jek đang trong một cuộc chiến "bầm dập" với Grab để giành thế thượng phong ở Đông Nam Á.
Được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư hùng mạnh bao gồm Google, Tập đoàn Tencent Holdings, Công ty tư nhân KKR…, Go-Jek đang được định giá 10 tỉ USD, theo CB Insights.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Makarim cũng tiết lộ rằng Google đã đầu tư 500 triệu USD vào công ty, xem Go-Jek là "đối tác lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á". Vị giám đốc cho biết ông đang "rất vui" với những kết quả ban đầu của Go-Jek ở các thị trường nước ngoài (Việt Nam, Thái Lan, Singapore) và đang xem xét việc tấn công vào thị trường Malaysia, cũng như Phillipines (thị trường mà Go-Jek đang vấp phải rắc rối về mặt pháp lí).