Uber, Grab, Go-Jek: Bao giờ có lãi?
Uber, Grab, Go-Jek: Còn lỗ đến bao giờ?
Bản cáo bạch mà Uber công bố mới đây đã lần đầu tiên tiết lộ bức tranh tài chính của Uber sau hơn 10 năm hoạt động. Riêng trong năm 2018, Uber lỗ hơn 3 tỉ USD từ hoạt động kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay, Uber chịu khoản lỗ luỹ kế hơn 12 tỉ USD, trở thành "nhà vô địch" về lỗ trong lịch sử của giới "kì lân" công nghệ.
Reuters dẫn tài liệu IPO của Uber cảnh báo rằng "chi phí hoạt động của công ty sẽ còn tăng đáng kể trong tương lai" và công ty "có thể không tạo ra lợi nhuận".
Con số lỗ ngày càng phình to lên đến hàng chục tỉ USD mà doanh nghiệp tiên phong và dẫn đầu trong lĩnh vực gọi xe công nghệ công bố khiến nhiều người đặt ra câu hỏi. Liệu những "kỳ lân" Grab, Go-Jek ở Đông Nam Á đang lao như thiêu thân vào cuộc đua đốt tiền có khả năng tạo ra lợi nhuận hay không?
Tình hình kinh doanh của Uber từ năm 2014 đến nay. Nguồn: Statista.
Ở Đông Nam Á, cuộc chiến giữa Grab và Go-Jek như một "nồi dầu sôi" bởi cuộc đua đổ tiền vào khuyến mãi, thưởng, hay mua lại những startup để phát triển các dịch vụ khác. Hai "kì lân" cũng chưa đưa ra bất kì con số chính xác nào về tình trạng lỗ lãi của công ty, trong khi liên tiếp công bố những đợt vốn không ngừng chảy về từ phía các nhà đầu tư, cùng với giá trị công ty ngày càng tăng.
Một câu hỏi chung dành cho những mô hình kinh doanh như Uber, Grab hay Go-Jek: Liệu chúng có thể sinh lời từ mảng gọi xe?
Thu thập dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái 'siêu ứng dụng': Con đường sinh lời của Uber, Grab hay Go-Jek
Giám đốc Grab Việt Nam, ông Jerry Lim, chia sẻ với phóng viên: "Trở thành một siêu ứng dụng là điều quan trọng đối với chiến lược phát triển bền vững và sinh lời của Grab".
Ông cho biết, để sinh lời, doanh nghiệp như Grab phải có hai yếu tố quan trọng: Thứ nhất, ứng dụng phải có lượng người dùng đủ lớn. Thứ hai, sản phẩm phải phù hợp với khách hàng và đứng vững với thời gian trước sự xuất hiện của ngày càng nhiều đối thủ. Vì vậy, ứng dụng cần liên tục đổi mới và cải tiến.
Vì thế, mục tiêu trước hết của một "siêu ứng dụng" mà Grab hướng tới là tạo ra sản phẩm "chạm tới cuộc sống của người dân" tại mọi thời điểm, từ lúc họ thức dậy cho đến khi họ đi ngủ.
Khi số lượng người dùng sản phẩm đủ lớn và Grab nắm trong tay thị phần lớn, thì đó là lúc công ty bắt đầu tạo ra lợi nhuận.
Đồ họa: Chu Toàn
Với tệp người dùng lớn, các dịch vụ mà Grab cung cấp sẽ thu thập ngày càng nhiều dữ liệu về hành vi người tiêu dùng, chi tiêu và nhu cầu. Theo ông Lim, tận dụng dữ liệu khổng lồ này, tất cả các dịch vụ "mắt xích" sẽ tạo nên một hệ sinh thái, mang lại lợi nhuận.
Đúng như tuyên bố của ông, Grab cũng đang từng bước phát triển hàng loạt các dịch vụ: từ dịch vụ gọi xe Grab, giao đồ ăn, thanh toán, giải trí, bảo hiểm, chăm sóc sức khoẻ, nông nghiệp...
Vào khung giờ cao điểm, tài xế chạy xe chở khách. Trong khoảng thời gian mà nhu cầu di chuyển thấp, tài xế có thể chuyển sang giao đồ ăn khi gần đến giờ ăn trưa. Vào buổi chiều, họ có thể giao hàng tạp hoá trước khi tiếp tục chở khách vào giờ tan tầm.
Về phía người dùng, họ chỉ cần mở điện thoại và bật ứng dụng cho các nhu cầu từ sáng đến tối: di chuyển, ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khoẻ, thanh toán.
Đó là viễn cảnh mà Grab, Go-Jek... hướng tới.
Tóm lại, mô hình kinh doanh như Uber hay Grab, Go-Jek sẽ không sinh lời chỉ dựa vào dịch vụ gọi xe ban đầu. Lợi thế của chúng là có khả năng thu thập và phân tích hành vi của hàng tỉ người, với đích đến là trở thành một "siêu công ty" cung cấp "siêu ứng dụng".
Không trả lời chính xác Grab sẽ có lợi nhuận vào thời điểm nào, song ông Lim khẳng định Grab chắc chắn tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, như tiết lộ của Anthony Tan, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc Grab, năm 2018, công ty đã có lãi ở một số thị trường lớn.
"Lý do có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền và hậu thuẫn cho Grab, bởi họ tin vào tầm nhìn của công ty. Tất cả bọn họ đều muốn sinh lời từ khoản đầu tư. Không ai sẵn sàng rót tiền cho một công ty không có khả năng tạo ra lợi nhuận. Các nhà đầu tư tin rằng với chiến lược siêu ứng dụng mà Grab theo đuổi, cả công ty và họ sẽ sinh lời", ông Lim giải thích.
Đối thủ của Grab tại thị trường Đông Nam Á, "kì lân" Go-Jek cũng đang "cực kỳ gần" với mức có lãi trên tất cả các mặt trận, ngoại trừ mảng gọi xe, nhà sáng lập kiêm CEO Naidem Makarim chia sẻ với Reuters vào đầu 2019. Ông kì vọng công ty có lãi trong vài năm tới.
Còn đối với "gã khổng lồ" Uber, trong lần chia sẻ mới đây với Techcrunch về khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty, ông Bradley Tusk, một cố vấn cho Uber từ giai đoạn 2011 đến 2015, cũng nhận định: "Uber có thể tạo ra lợi nhuận từ việc tạo ra ngày càng nhiều mối quan hệ đối tác xung quanh thị trường chia sẻ xe, trong các lĩnh vực khác như giao đồ ăn (Uber Eats) và logistics (Uber Freight)." Dự án xe tự lái cũng chính là chiến lược quan trọng với Uber khi "từ khoá" này xuất hiện với tần suất gần 100 lần trong bản cáo bạch IPO.
'Nếu đối thủ được rót tiền, bạn cũng buộc phải gọi được vốn'
Xây dựng lượng người dùng là điều tối quan trọng đối với Grab và Go-Jek trước khi muốn sinh lời. Bởi thế, hàng loạt nhà đầu tư vẫn ra sức tiếp nhiên liệu cho những "cỗ máy đốt tiền" trong cuộc đua giành thị phần.
Financial Times cho biết, vào giữa tháng 3 năm nay, HĐQT của Go-Jek đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về một vấn đề cấp bách. Đó là việc Grab huy động thành công 4,5 tỉ USD. Vài tuần trước, Go-Jek cũng huy động thành công1 tỉ USD, song số tiền ấy nhỏ hơn nhiều so với khoản vốn Grab huy động.
Một thành viên HĐQT nói rằng, vấn đề nan giải đặt ra là :"Nếu đối thủ được rót tiền, bạn cũng buộc phải gọi được vốn".
Giới quan sát có thể thấy khoảng cách lớn về nguồn tiền đầu tư rót vào hai đối thủ Grab và Go-Jek.
Nhà đầu tư hậu thuẫn lớn nhất cho Grab là SoftBank. Nhắc đến các công ty Internet tiêu dùng, ông Masayoshi Son, CEO SoftBank, tin rằng người chiến thắng là người có tất cả. Đây là trò chơi mà tất cả việc cần làm là khiến đối thủ "chảy máu" cho đến khi họ chết hoặc đầu hàng. Người thua cuộc là người hết tiền trước, chứ không hẳn là người có mô hình kinh doanh và kỹ năng thực thi yếu hơn.
Trong khi đó, các giám đốc của Go-Jek cho rằng quá nhiều vốn là một loại thuốc độc khiến những người sáng lập trở nên hoang phí và lười biếng. Việc có ít tài nguyên hơn khiến các nhà sáng lập làm việc chăm chỉ hơn và đổi mới nhanh hơn. Ông nhấn mạnh đồng thời hai yếu tố: vốn và sự đổi mới sáng tạo sẽ rạo nên lợi thế cạnh tranh mang tính quyết định.
Một nhà đầu tư cho rằng, khoảng cách giữa định giá của Grab là 14 tỉ USD và định giá của Go-Jek vào khoảng 9,5 tỉ USD (theo báo cáo mới nhất của HSBC Global Report) hẹp hơn so với nguồn tài chính của hai bên, khẳng định hiệu quả cao hơn của Go-Jek.
Chiến lược quen thuộc: 'Lấy tiền đè đối thủ'
Giám đốc Grab Việt Nam nhắc đến Amazon như một hình mẫu lí giải con đường đốt tiền, chịu lỗ trong suốt thời gian dài.
Amazon ra đời từ năm 1994, nhưng phải mất hơn 10 năm công ty mới bắt đầu có lợi nhuận.
Nổi tiếng với chiến lược tái đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào việc kinh doanh, Amazon thường xuyên báo lỗ khi tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại điện tử, sang các lĩnh vực xây dựng cửa hàng truyền thống, trung tâm phân phối, điện toán đám mây, quảng cáo, nội dung số.
Đến tận năm 2016, lợi nhuận của Amazon mới lên đến hàng tỉ USD (khoảng 2,3 tỉ USD). Năm 2018, Amazon lãi 10 tỉ USD với doanh thu 233 tỉ USD.
Biểu đồ lợi nhuận hàng quí của Amazon qua các năm. Nguồn: Atlas.
Tuy nhiên, những con số về lỗ lãi không ảnh hưởng đến kì vọng của các nhà đầu tư khi họ vẫn tiếp tục bơm tiền cho Amazon. Cổ phiếu của hãng tiếp tục tăng giá và đưa Jeff Bezos trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới.
Danh sách những dịch vụ mà Amazon thâu tóm có thể kể đến: Whole Food Market, IMDB, Alexa, Zappos, Amazon Web Service, Amazon Web Studio... Bài viết trên Business Insider nhận định về chiến lược "lấy tiền đè người" của Amazon: một khi Amazon tấn công vào lĩnh vực nào, họ sẽ khiến đối thủ phải thiệt hại đến mức phải đóng cửa, dù công ty chịu lỗ trong ngắn hạn.