Cục Quản lí đấu thầu (Department of Public Procurement) là tổ chức nào?
Cục Quản lí đấu thầu (Department of Public Procurement)
Cục Quản lí đấu thầu (Department of Public Procurement)
Cục Quản lí đấu thầu - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Department of Public Procurement.
Cục Quản lí đấu thầu là cơ quan quản lí Nhà nước về hoạt động đấu thầu điện tử. Cục Quản lí đấu thầu thực hiện việc nghiên cứu và soạn thảo các văn bản qui phạm pháp luật và cơ chế chính sách về đấu thầu.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lí đấu thầu
1. Tổ chức nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu và PPP để trình các cơ quan chức năng ban hành theo thẩm quyền.
2. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu, về PPP và các cam kết quốc tế về đấu thầu mà Việt Nam là thành viên; hướng dẫn xử lý tình huống trong đấu thầu.
3. Tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
4. Tổ chức thẩm định các nội dung về đấu thầu thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ trưởng.
5. Thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
6. Tổ chức kiểm tra công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; tham gia các hoạt động thanh tra về đấu thầu và PPP theo yêu cầu của Bộ trưởng.
7. Theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu; đánh giá, tổng kết, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu và PPP trong phạm vi cả nước.
8. Hợp tác quốc tế về đấu thầu; nghiên cứu, tham gia đàm phán nội dung mua sắm chính phủ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam dự kiến ký kết gia nhập; điều phối triển khai thực hiện cam kết về mua sắm chính phủ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
9. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và đấu thầu qua mạng; quản lý hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu về đấu thầu, về PPP trên phạm vi cả nước.
10. Quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu.
11. Tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; tổ chức bồi dưỡng giảng viên đấu thầu và cấp chứng nhận bồi dưỡng giảng viên đấu thầu.
12. Cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ về đấu thầu, kiểm toán về trình tự, thủ tục trong đấu thầu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
13. Xây dựng, quản lý và phát hành Báo Đấu thầu.
14. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng. (Theo Quyết định số 1858/QĐ-BKHĐT)