Chuỗi rủi ro là gì? Các mắt xích cơ bản
Chuỗi rủi ro
Khái niệm
Chuỗi rủi ro trong tiếng Anh tạm dịch là: Risk Chain.
Chuỗi rủi ro bao gồm năm mắt xích cơ bản sau:
(1) Mối hiểm họa: là những điều kiện dẫn đến tổn thất. Ví dụ: một bộ phận của máy móc được bảo quản không đúng cách.
(2) Yếu tố môi trường: là bối cảnh mà trong đó nguy hiểm tồn tại. Ví dụ: sàn của phân xưởng nơi bộ phận máy móc này được lắp đặt.
(3) Sự tương tác: là quá trình mà mối hiểm họa và môi trường rủi ro tác động lẫn nhau, đôi khi không có ảnh hưởng nhưng đôi khi dẫn đến tổn thất. Ví dụ: Một người công nhân vận hành thiết bị không được bảo quản đúng cách có thể bị tai nạn vì tấm chắn bảo vệ không được đặt đúng chỗ khi mũi khoan bị gãy.
(4) Kết quả có thể là tốt hay xấu: là kết quả trực tiếp của sự tác động. Ví dụ, trong trường hợp này là việc bị tổn thương nghiêm trọng ở mắt.
(5) Những hậu quả: không phải là những kết quả trực tiếp (việc bị tổn thương ở mắt) mà là những hậu quả lâu dài của sự cố xảy ra (sự khiếu nại bồi thường của công nhân khi bị tổn thương, sửa chữa máy móc, chi phí thuốc men, y tế....)
Giải thích thuật ngữ liên quan:
Rủi ro theo trường phái truyền thống, là điều không lành, không tốt, bất ngờ xảy đến. Trong lĩnh vực kinh doanh rủi ro là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp.
Như vậy rủi ro là “những thiệt hại, mất mát, nguy hiểm hoặc các yếu tố liên quan đến nguy hiểm, khó khăn hoặc điều không chắc chắn có thể xảy ra cho con người”.
Theo trường phái trung hòa, rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được, nó vừa mang tính tích cực vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang tới những tổn thất, mất mát, nguy hiểm…cho con người nhưng cũng có thể mang đến những cơ hội. Rủi ro là một khái niệm khách quan và có thể đo lường được.
Các loại rủi ro gồm:
+ Rủi ro thuần túy: là những rủi ro dẫn đến tình huống tổn thất hay không tổn thất, trường hợp tốt nhất là tổn thất không xảy ra.
+ Rủi ro suy đoán: là những rủi ro dẫn đến tình huống tổn thất hoặc sinh lợi. Đây là loại rủi ro thường gắn liền với hoạt động đầu tư, kinh doanh hay đầu cơ, vốn có thể thành công hay thất bại. Phần sinh lợi còn gọi là phần thưởng cho rủi ro.
+ Rủi ro có thể đa dạng hóa hay còn gọi là rủi ro không có tính hệ thống, rủi ro đặc trưng. Đây là những rủi ro thường xảy ra trong phạm vi hẹp, cá thể và có thể phân chia, giảm thiểu được bằng cách đa dạng hóa, bằng các nguồn quĩ góp chung.
+ Rủi ro không thể đa dạng hóa hay còn gọi là rủi ro hệ thống, rủi ro thị trường. Đây là những rủi ro nảy sinh từ những tác động to lớn của thị trường thường nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp và không thể giảm thiểu được bằng cách đa dạng hóa.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí rủi ro theo ISO 31000, NXB Hồng Đức)