|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed đứng trước hai lựa chọn nghiệt ngã: Suy thoái hay lạm phát?

08:09 | 13/06/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đang phải cân nhắc thiệt hơn sau số liệu lạm phát mới nhất. Ông có lẽ phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái để giành lại quyền kiểm soát giá cả.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang đứng trước hai lựa chọn khó nhằn. (Ảnh: Wall Street Journal).

Năm ngoái, Chủ tịch Jerome Powell có vẻ giống với người tiền nhiệm Arthur Burns khi dễ dàng bỏ qua áp lực giá cả đang phình to. Còn giờ đây, ông dường như ngày càng giống biểu tượng của Fed - cựu Chủ tịch Paul Volcker, trong cuộc chiến với lạm phát.

Tại cuộc họp báo giữa tuần này, ông Powell sẽ cần phải cân nhắc thiệt hơn về phát biểu của mình, vì điều đó có thể quyết định cách hiểu của thị trường về định hướng chính sách tiền tệ của Fed.

Tuy nhiên, ít nhất là cho đến nay, ông Powell vẫn chưa ủng hộ biện pháp tiền tệ cứng rắn nhất, chính là đẩy nền kinh tế vào suy thoái để chế ngự lạm phát -  điều mà người tiền nhiệm Volcker đã phải làm để đánh gục lạm phát hơn 40 năm trước.

Lựa chọn đau đớn nhất

Gần đây, Chủ tịch Fed đã thừa nhận rằng việc kiểm soát áp lực giá cả có thể đòi hỏi nền kinh tế chịu một chút đau đớn - và thậm chí là chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Song, ông vẫn tránh đề cập về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thái độ của ông Powell có vẻ dễ hiểu, xét về những rủi ro căng thẳng chính trị trong tương lai gần, đặc biệt là đối với Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Chia sẻ với Time, ông Alan Blinder - cựu Phó Chủ tịch của Fed, bình luận: “Chủ tịch Powell không muốn từ ‘suy thoái’ thốt ra khỏi miệng theo cách tích cực để diễn đạt thông điệp rằng Mỹ cần một cuộc suy thoái. Nhưng có rất nhiều cách diễn giải khác và ông Powell sẽ sử dụng chúng”.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế - bao gồm cả ông Blinder - nói rằng Mỹ cần phải chấp nhận để kinh tế thu hẹp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn để đưa lạm phát về ngưỡng có thể chấp nhận được.

Kinh tế trưởng Bruce Kasman của ông lớn ngân hàng JPMorgan nhấn mạnh: “Tôi không tin tưởng rằng Fed có thể ổn định lạm phát ở mức chấp nhận được mà không gây ra suy thoái kinh tế”.

Trong nghiên cứu mới công bố, kinh tế trưởng Anna Wong của Bloomberg Economics và các đồng nghiệp đã đặt khả năng xảy ra suy thoái trong năm nay là khoảng 25% và trong năm sau là 75%.

“Suy thoái kinh tế trong năm nay là rất khó có thể xảy ra, nhưng suy thoái vào năm 2023 thì lại rất khó tránh khỏi”, bà Wong và các đồng nghiệp cảnh báo.

 

Các nhà đầu tư đang rất mực quan tâm đến thái độ của Fed. Phiên giao dịch ngày 10/6, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, trong khi giá cổ phiếu cắm đầu vì thị trường lo ngại Fed sẽ hành động mạnh tay hơn sau khi CPI tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái - xác lập mức đỉnh mới.

Theo Time, các nhà đầu dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong các cuộc họp tháng 7 và tháng 9. Một số nhà kinh tế thì cho rằng Fed thậm chí có thể cân nhắc mức tăng 75 điểm cơ bản.

Hướng đi và đích đến cuối cùng của lãi suất trong các tháng tới sẽ phụ thuộc một phần vào tốc độ và mức độ mà các nhà hoạch định chính sách muốn lạm phát hạ nhiệt. Đồng thời, mức độ rủi ro mà Fed muốn nền kinh tế phải gánh chịu sẽ quyết định phần còn lại.

Trong tháng 4, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương này. Nếu không tính chi phí năng lượng và thực phẩm, chỉ số cốt lõi tăng 4,9%.

Giải pháp nhẹ lòng hơn

Ông Ethan Harris, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America, cho biết Fed có thể sẵn sàng thỏa hiệp và chấp nhận lạm phát cố định ở mức 3%, sau đó dần dần đưa về ngưỡng 2%.

Điều đó sẽ giúp Fed không phải đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Ông Harris nói thêm: “Hãy nhớ lại rằng nhà chống lạm phát vĩ đại Paul Volcker cũng đã ủng hộ việc đưa lạm phát xuống mức 4%”.

Cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho rằng các ngân hàng trung ương nên ngừng thắt chặt chính sách khi lạm phát tụt xuống mức 3% và đặt đó làm ngưỡng mục tiêu mới, thay vì mạo hiểm kéo lạm phát xuống 2% và đẩy kinh tế vào suy thoái.

 

Cựu Phó Chủ tịch Fed - Alan Blinder nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ phải cân bằng hai rủi ro.

Lạm phát ở mức cao càng lâu thì khả năng nó trở thành một vấn đề cắm rễ trong nền kinh tế càng lớn. Ngược lại, hành động quá khích cũng gây nguy hiểm, khiến kinh tế lao dốc rất nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng nóng.

Đó là những gì đã xảy ra vào những năm 1970, khi ông Burns cầm cương Fed và đó cũng là lý do chính tại sao ông Volcker phải chấp nhận để nền kinh tế vào suy thoái để khống chế lạm phát.

Ít nhất là bây giờ, ông Powell có được một thứ mà người tiền nhiệm Burns không có: sự ủng hộ chính trị từ Nhà Trắng để chống lại lạm phát.

Tổng thống Biden, vừa tổ chức một cuộc gặp mặt hiếm hoi với ông Powell vào tháng trước, đã nhiều lần nhấn mạnh tính độc lập của Fed trong cuộc chiến giá cả. Hơn nữa, ông Biden cũng làm rõ rằng ông xem lạm phát là vấn đề kinh tế số một của Mỹ.

Yên Khê