|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát tại Mỹ đạt 8,6% trong tháng 5, tiếp tục xác lập đỉnh mới

22:39 | 10/06/2022
Chia sẻ
Tháng 5 năm nay, lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ lại tiếp tục lập đỉnh mới, theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố ngày 10/6.

(Ảnh minh họa: Bloomberg).

Lạm phát chưa đạt đỉnh

Áp lực lạm phát tại Mỹ đã tiếp tục phình to trong tháng 5, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái - xác lập mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981, Cục Thống kê Lao động thông báo.

Dữ liệu chính thức thậm chí còn tăng cao hơn mức dự đoán 8,3% của Dow Jones. Nếu không tính giá thực phẩm và nhiên liệu, chỉ số CPI cốt lõi (core CPI) cũng nhích 6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức ước tính 5,9%.

So với tháng 4 năm nay, chỉ số CPI tháng 5 tăng 1%, trong khi CPI cốt lõi nhích khoảng 0,6%. Dự báo của Dow Jones, lần lượt là 0,7% và 0,5%, cũng thấp hơn con số thực tế, CNBC thông tin thêm.

 

Giá nhà ở, xăng dầu và thực phẩm nhảy vọt đã đóng góp vào mức tăng chung của lạm phát tiêu dùng.

Cụ thể, giá năng lượng cao hơn 3,9% so với một tháng trước và tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong danh mục này, giá dầu nhiên liệu bật tăng 16,9% so với tháng 4 và phi mã 106,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Chi phí nhà ở - chiếm khoảng một phần ba chỉ số CPI, tăng 0,6% so với tháng trước - đồng thời xác lập mức tăng mạnh nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2004. So với cùng kỳ năm ngoái thì giá nhà ở tăng 5,5% - đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/1991.

Cuối cùng, chi phí thực phẩm trong tháng 5 cao hơn tháng 4 khoảng 1,2% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 10,1%.

Giá cả leo thang chóng mặt đồng nghĩa rằng thu nhập của người lao động lại một lần nữa bị hao hụt. Tiền lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm 0,6% trong tháng 4, dù thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập trung bình mỗi giờ thực tế đã giảm 3%.

Thị trường tài chính phản ứng tiêu cực sau báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Hợp đồng tương lai chứng khoán cho thấy khi mở cửa, giá cổ phiếu trên Phố Wall có thể rớt mạnh, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên.

Ông John Leer - kinh tế trưởng của hãng tư vấn Morning Consult, bình luận: “Thật khó để nhìn vào số liệu lạm phát tháng 5 mà không thấy thất vọng. Chúng ta chưa thấy dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ nền kinh tế đã thoát khỏi nguy hiểm”.

Một số mức tăng mạnh nhất trong chỉ số CPI tháng 5 là giá vé máy bay (cao hơn tháng trước 12,6%), ô tô và xe tải đã qua sử dụng (1,8%) và các sản phẩm từ sữa (2,9%).

Giá xe cộ được coi là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng cao trong các tháng, nhưng đã hạ nhiệt trong ba tháng vừa qua. Do đó, giá xe ô tô đã qua sử dụng tăng trở lại là một dấu hiệu đáng ngại.

Gian nan cuộc chiến của Fed

Số liệu của tháng 5 cũng dập tắt hy vọng rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh, đồng thời thổi bùng lo ngại rằng nền kinh tế sắp rơi vào suy thoái.

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động được công bố trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ tăng lãi suất nhằm làm chậm tăng trưởng và hạ nhiệt giá cả.

Theo CNBC, báo cáo tháng 5 có thể củng cố khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thêm nhiều lần nữa.

Ông Julian Brigden, Chủ tịch của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu MI2 Partners, cho hay: “Rõ ràng là không có gì tốt đẹp trong báo này. Fed cũng không nhận được sự khích lệ nào…”

Hiện, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản. Thị trường dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay và có thể kéo dài sang năm 2023.

CME Group ước tính, lãi suất cho vay ngắn hạn của Fed hiện đang neo ở mức 0,75 - 1% và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2,75 - 3% vào cuối năm 2022.

Mặt khác, lạm phát đang là một vấn đề chính trị đau đầu đối với Nhà Trắng và Tổng thống Joe Biden.

Washington cho rằng áp lực lạm phát phình to là do các vấn đề chuỗi cung ứng, tình trạng mất cân bằng giữa nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Trong một bài luận gần đây trên Wall Street Journal, ông Biden cam kết sẽ thúc đẩy các cải cách mới đối với chuỗi cung ứng và tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, cả ông và Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen đều nhấn mạnh rằng phần lớn trách nhiệm trong cuộc chiến chống lạm phát thuộc về Fed. Chính quyền ông Biden phủ nhận rằng các gói viện trợ COVID trị giá hàng nghìn tỷ USD là nguyên nhân gây ra lạm phát.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.