|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cổ phiếu giá trị giành lại ánh hào quang khi thị trường canh cánh nỗi lo lạm phát

16:34 | 08/06/2022
Chia sẻ
Khi lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi thiết lập kế hoạch kinh doanh cho tương lai. Trong thời kỳ khó lường như vậy, các nhà đầu tư thường bị hấp dẫn bởi các nhóm cổ phiếu giá trị.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: AP). 

Đi tìm món hời

Khi lạm phát nóng lên, người tiêu dùng sẽ bỏ công tìm kiếm những món hời khi đi mua sắm. Trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 2022, các nhà đầu tư cũng đang làm điều tương tự: lựa chọn cổ phiếu giá trị hay cổ phiếu tăng trưởng.

Mấu chốt của cuộc cạnh tranh này là câu hỏi: Liệu nhà đầu tư nên mua cổ phiếu của các công ty có triển vọng tăng trưởng doanh số và lợi nhuận tích cực, dù có chỗ đáng ngờ; hay tập trung vào cổ phiếu có vẻ rẻ dựa trên giá trị tài sản, dù tăng trưởng lợi nhuận tương đối khiêm tốn?

Sau khi thua kém trường phái đầu tư tăng trưởng trong hơn 10 năm, đầu tư giá trị đã có màn quay trở lại ngoạn mục. Cuộc lội ngược dòng này được thể hiện rõ qua như Chỉ số Giá trị Thuần túy S&P, mô phỏng các công ty có định giá thấp dựa trên hệ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách, lợi nhuận hoặc doanh thu.

Kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, chỉ số trên đã tạo ra tỷ suất sinh lời gần 8% tính cả cổ tức. Trong cùng khoảng thời gian, Chỉ số Tăng trưởng Thuần túy S&P lỗ 25%.

 

Trong 12 năm trước đó, chỉ số tăng trưởng sinh lời 650%, gần gấp đôi thành tích của chỉ số giá trị. Sự đảo chiều đột ngột trong năm 2022 là vận may lớn đối với các quỹ tập trung vào cổ phiếu giá rẻ.

Chỉ tính riêng trong "vũ trụ" ETF, các quỹ theo chiến lược đầu tư giá trị đã chứng kiến dòng tiền vào 55 tỷ USD trong năm 2022. Ngược lại, các quỹ tập trung vào cổ phiếu tăng trưởng thì ghi nhận dòng tiền ra ròng 1 tỷ USD, theo Bloomberg Intelligence. Vậy đây có phải lúc để các nhà quản lý quỹ theo phong cách giá trị hả hê?

“Làm vậy chẳng có ích gì, vì chúng tôi đã trông giống như lũ khờ suốt một khoảng thời gian dài”. Đó là câu trả lời của ông Rob Arnott, nhà sáng lập và Chủ tịch công ty dịch vụ quản lý đầu tư Research Affiliates, người theo trường phái đầu tư giá trị.

Thay vì khoe khoang, ông Arnott đang tập trung vào nghiên cứu. Ông đã lao đầu vào các con số để tìm ra lý do cổ phiếu tăng trưởng bỏ xa cổ phiếu giá trị trong khoảng thời gian dài đến vậy. Ông cũng muốn chứng minh rằng lần này, sự vượt trội của cổ phiếu giá trị có thể kéo dài, thậm chí là thêm vài năm nữa.

 

Đà tăng kéo dài của cổ phiếu tăng trưởng và sự quay trở lại của cổ phiếu giá trị mới đây được cho là có liên quan tới lãi suất. Nhiều người cho rằng khi lãi suất thấp thì cổ phiếu tăng trưởng tự động đi lên: Tiền rẻ thúc đẩy nhà đầu tư trở nên liều lĩnh hơn để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhưng ông Arnott nói rằng nguyên nhân thực phức tạp hơn và lý do quan trọng hơn là lạm phát. Chỉ nhìn vào lãi suất là sai lầm dễ mắc vì lãi suất thường tăng cùng chiều với lạm phát. Ông nói: “Lạm phát tăng nóng thường tốt cho cổ phiếu giá trị”.

Lạm phát làm tương lai trở nên khó đoán và khiến doanh nghiệp chật vật lập kế hoạch kinh doanh. Trong thời kỳ như vậy, các doanh nghiệp “nhàm chán, đều đều” sẽ trở nên hấp dẫn.

Nhiều chuyên gia Phố Wall hy vọng lạm phát sẽ quay đầu từ mức trên 8% hiện nay xuống gần với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Nhưng ông Arnott cược rằng lạm phát sẽ không sớm hạ nhiệt.

Một trong những lý do chính cho nhận định trên là giá nhà đã nhảy vọt 39% kể từ cuối năm 2019, theo Chỉ số Giá nhà Quốc gia Mỹ S&P CoreLogic Case-Shiller. Ông Arnott đoán rằng cơn sốt nhà đất sẽ làm tăng tiền thuê nhà của người tiêu dùng – thành phần chiếm 1/4 chỉ số giá tiêu dùng.

Một trong những cách lý giải thông dụng khác châm ngòi cho đà tăng điên cuồng của cổ phiếu tăng trưởng là các công ty công nghệ lớn sẽ tạo ra đột phá trong mọi lĩnh vực họ tiến vào. Khi đó, các gã khổng lồ trong thế giới doanh nghiệp sẽ lần lượt “cuốn gói ra đi”.

Một số cái tên lớn nhất trong trong chỉ số Tăng trưởng Thuần túy tại thời điểm đỉnh cao hồi tháng 11/2021 là Nvidia, Tesla, Etsy. Kể từ đó đến nay, giá những cổ phiếu này đã lao dốc lần lượt 43%, 37% và 72%.

Những cái tên hàng đầu trong chỉ số Giá trị Thuần túy khi đó là tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway, công ty bảo hiểm Cigna và công ty chế biến thực phẩm đa quốc gia Archer-Daniels Midland. Giá ba cổ phiếu này đều tăng trên 10% trong cùng giai đoạn. Có thể thấy lập luận về sự “đột phá” đã được cường điệu hóa không ít.

“Các công ty giá trị có bị nghiền nát không? Không, chỉ có định giá của họ bị ảnh hưởng”, ông Arnott nói. “Còn việc kinh doanh của các công ty này đều suôn sẻ”.

Săn tìm giá trị trong nhóm công nghệ?

Theo Bloomberg, thứ mà các nhà đầu tư giá trị đang thực sự đặt cược là mối quan hệ giữa cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng sẽ quay trở lại trạng thái cũ. Theo tính toán của ông Arnott, thường thì cổ phiếu tăng trưởng sẽ đắt gấp 5 lần cổ phiếu giá trị dựa trên giá trị sổ sách. Nhưng sau giai đoạn “gió đổi chiều” 6 tháng qua, ông Arnott tính rằng nhóm tăng trưởng vẫn đắt hơn 8-9 lần nhóm giá trị.

Niềm tin rằng cổ phiếu giá trị sẽ có thời kỳ phục hưng lâu dài của ông Arnott trái ngược với suy nghĩ phổ biến trên Phố Wall, tờ Bloomberg cho hay. Dẫu sao, cổ phiếu giá trị mới chỉ có vầng hào quang trong vài tháng, còn xu hướng kinh tế suốt nhiều năm qua vẫn ủng hộ cho nhóm tăng trưởng.

Nếu Fed có thể đạo diễn một cú “hạ cánh mềm” – khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái – thì một số nhà đầu tư nói rằng họ có thể sẽ mua lại cổ phiếu tăng trưởng.

Một trong những điều khiến phán đoán đầu tư trở nên phức tạp là ngày càng khó xác định cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng. Các nhà đầu tư thường đánh giá theo ngành nghề, ví dụ cổ phiếu năng lượng và công nghiệp thuộc nhóm giá trị và cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng trưởng.

Nhưng hai phong cách đầu tư này cũng được định nghĩa bởi mức giá tương đối mà nhà đầu tư phải trả. Và sự kết hợp giữa chiến sự Nga-Ukraine và việc mở cửa lại các nền kinh tế hậu COVID-19 đã điều chỉnh lại định giá của một số cổ phiếu chủ chốt.

Cổ phiếu năng lượng từ lâu đã là thành viên của các chỉ số giá trị. Nhưng đà phi mã của giá dầu đã cải thiện triển vọng lợi nhuận của chúng đến mức giờ đây, các gương mặt lớn nhất trong chỉ số Tăng trưởng Thuần túy là NRG Energy, Diamondback Energy và Devon Energy.

Trong khi đó, sự trượt dốc của giá Meta (công ty mẹ Facebook) cộng với tốc độ tăng trưởng giảm tốc, có thể khiến cổ phiếu tăng trưởng lâu năm này chuyển sang các chỉ số giá trị. Hay nói cách khác, ngay cả nhà đầu tư giá trị cũng có thể lựa chọn cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ.

Giang