|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed bắt đầu thắt chặt định lượng, thị trường chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng ra sao?

20:15 | 02/06/2022
Chia sẻ
Viện Đầu tư Wells Fargo dự đoán quy mô bảng cân đối của Fed có thể giảm 1.500 tỷ USD trong vòng 18 tháng, tương đương với việc tăng lãi suất thêm 75 - 100 điểm cơ bản.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AFP). 

Bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thu hẹp kể từ ngày 1/6. Fed triển khai biện pháp này nhằm mục đích bổ trợ cho các đợt tăng lãi suất để chống lại mối lo lạm phát.

Tác động chính xác của việc “thắt chặt định lượng” lên thị trường tài chính vẫn còn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Viện Đầu tư Wells Fargo và Capital Economics đồng ý rằng rất có thể quá trình này sẽ tạo thêm lực cản cho thị trường chứng khoán. Và đó là rắc rối lớn đối với những nhà đầu tư đang phải đương đầu với hàng loạt rủi ro.

Hiểu đơn giản, “thắt chặt định lượng” trái ngược với “nới lỏng định lượng”. Bản chất thắt chặt định lượng là nhằm giảm cung tiền chảy trong nền kinh tế. Một số người nói thêm rằng việc thắt chặt còn hỗ trợ cho các đợt tăng lãi suất theo cách dễ đoán.

Quá trình này cũng có thể bình lặng và nhàm chán như “chờ sơn khô” -  cách mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen ví von năm 2017 khi đang giữ chức Chủ tịch Fed. Đây là lần gần nhất ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành quá trình tương tự.

Thắt chặt định lượng ảnh hưởng chủ yếu đến thị trường tài chính: Quá trình này được dự đoán là sẽ đẩy lợi suất thực lên cao, làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu. Và nhiều khả năng nó cũng sẽ tạo áp lực kéo phần bù rủi ro trái phiếu Kho bạc đi lên. Phần bù rủi ro trái phiếu là khoản đảm bảo mà các nhà đầu tư đòi hỏi để chịu rủi ro lãi suất trong suốt thời hạn của trái phiếu.

Điều quan trọng hơn là Fed thắt chặt định lượng đúng vào lúc tâm lý trên thị trường chứng khoán Mỹ đang rất tăm tối.

Theo khảo sát công bố tuần trước của Hiệp hội Đầu tư Cá nhân Mỹ, tỷ lệ nhà đầu tư lạc quan về hướng đi của thị trường đã xuống dưới 20% lần thứ 4 trong 7 tuần liên tiếp. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cũng phải thừa nhận rằng ông không làm được gì nhiều để kiềm chế lạm phát.

Ông Dan Eye, Giám đốc đầu tư của Fort Pitt Capital Group nói với tờ MarketWatch: “Chúng ta chưa thể biết được tác động của thắt chặt định lượng, đặc biệt là vì trong quá khứ Fed cũng ít khi thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán. Nhưng chắc chắn rằng quá trình này sẽ hút bớt thanh khoản khỏi thị trường. Và khi thanh khoản giảm sút, định giá chứng khoán sẽ chịu tác động”.

Bắt đầu từ ngày 1/6, Fed sẽ bắt đầu giảm 47,5 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm sẽ tăng lên thành 95 tỷ USD. Các nhà hoạch định chính sách sẵn sàng điều chỉnh nhịp độ tùy theo diễn biến của thị trường tài chính và nền kinh tế.  

Viện Đầu tư Wells Fargo chỉ ra rằng kể từ tháng 9, mức suy giảm “sẽ nhanh và quyết liệt hơn hẳn” so với quy trình thắt chặt định lượng năm 2017. Theo tính toán của viện này, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed có thể giảm gần 1.500 tỷ USD vào cuối năm 2023 xuống còn khoảng 7.500 tỷ USD.

Và nếu việc thắt chặt diễn ra theo dự kiến, “mức giảm 1.500 tỷ USD của bảng cân đối có thể tương đương với lãi suất tăng thêm 75 - 100 điểm cơ bản nữa”, vào lúc mà lãi suất điều hành của Fed được dự báo nằm trong khoảng 3,25-3,5%.

Hiện, lãi suất quỹ liên bang của Fed đang dao động trong khoảng 0,75 - 1%.

 

Viện Đầu tư Wells Fargo viết trong lưu ý: “Thắt chặt định lượng có thể gây áp lực đẩy lợi suất thực đi lên. Cùng với các hình thức thắt chặt tiền tệ khác, quy trình này tạo ra thêm lực cản đối với tài sản rủi ro”.

Ông Andrew Hunter, nhà kinh tế Mỹ cấp cao tại Capital Economics, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng Fed sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ khoảng hơn 3.000 tỷ USD trong vài năm tới, đủ để đưa tỷ lệ quy mô của bảng cân đối trên GDP bằng với mức trước đại dịch”.

Tuy động thái của Fed khó có thể tạo tác động lớn lên nền kinh tế Mỹ, các nhà hoạch định chính sách có thể ngưng thắt chặt định lượng sớm hơn dự kiến nếu tình hình kinh tế “xấu đi”.

Lưu ý của ông Hunter viết: “Tác động chủ chốt sẽ đến gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến các điều kiện tài chính. Áp lực khiến phần bù rủi ro lợi suất trái phiếu Kho bạc đi lên, cộng với rủi ro tăng trưởng kinh tế đi xuống, sẽ làm gia tăng lực cản đối với thị trường chứng khoán”. Ông lưu ý rằng điều không chắc chắn chính là quá trình thắt chặt định lượng sẽ kéo dài bao lâu.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.