Để chứng khoán tăng điểm, Chủ tịch Fed cần đánh gục '7 quái thú' này
Mới đây, người dẫn chương trình Jim Cramer của CNBC đã điểm qua danh sách các vấn đề kinh tế mà Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cần giải quyết để khống chế lạm phát và từ đó giúp thị trường chứng khoán phục hồi.
Cụ thể, Cramer bình luận: “Hiện tại, ông Powell đang thua trên quá nhiều mặt trận. Điều đó có nghĩa là Chủ tịch Fed phải quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để hạ nhiệt mọi thứ. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ông là rất khó nhằn”.
“Chủ tịch Fed đang có một danh sách dày đặc những điều cần làm…Tôi chỉ liệt kê ra 7 điều rõ ràng nhất. Nếu ông Powell có thể tiêu diệt được 7 con quái thú này, thì việc kiếm tiền trên thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng trở lại.
Tuy nhiên, cho đến khi ông Powell làm xong, thì bạn nên chuẩn bị sẵn tâm thế rằng những ngày biến động kinh hoàng hơn đang chờ. Không thành công nào đến dễ dàng và lần này thiệt hại sẽ rất to lớn”, người dẫn chương trình “Mad Money” của CNBC nói tiếp.
Dưới đây là danh sách 7 vấn đề mà Chủ tịch Jerome Powell cần phải “xắn tay áo” xử lý trong thời gian tới, theo gợi ý của Jim Cramer:
Nhà ở: “Tôi nghĩ lãi suất cho vay thế chấp phải lên tới 7% hoặc 8% trước khi…những ngôi nhà mới bắt đầu giảm giá. Chủ tịch Powell có rất nhiều công cụ để đạt được mức lãi suất đó, ông nhất định phải hành động”, Cramer nhấn mạnh.
Ô tô: “Ông Powell phải làm giảm nhu cầu mua ô tô và cách tốt nhất để làm điều đó là tăng lãi suất. Chúng ta cần một lượng lớn ô tô dư ra để giải quyết vấn đề nan giải này. Sau đó, các nhà sản xuất chất bán dẫn mới có thể bắt kịp được”, vị MC cho hay.
Lao động: “Càng có nhiều công ty nhận thấy họ không đủ khả năng để thuê thêm nhân công, thì chúng ta càng ít phải lo lắng về vòng xoáy tiền lương - giá cả hơn”, Cramer đề xuất.
Chiến sự Nga - Ukraine: Cramer nói rằng mặc dù ông Powell không kiểm soát được kết quả hay thời gian của cuộc chiến, xung đột giữa hai nước Liên Xô cũ đang khiến giá hàng hóa, từ dầu mỏ đến ngũ cốc, tăng vọt.
Cước vận tải quá cao: Khiến hoạt động thương mại chững lại hoặc tăng số lượng tài xế chở hàng sẽ giúp giải quyết mặt trận này, theo gợi ý của ông Cramer.
Giá vé máy bay: Vé máy bay cần đắt đến mức mọi người ngần ngại đi du lịch hơn và từ đó ít chi tiêu hơn, Cramer cho hay.
Tiền tiết kiệm dư thừa của người tiêu dùng: Mọi người cần phải sử dụng các khoản tiết kiệm mà họ dành ra trong thời đại dịch, từ đó lấy lại động lực đi làm, người dẫn chương trình Mad Money bày tỏ.
Trong phiên 18/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 3,57%, trong khi S&P 500 mất 4,04% - cả hai đều đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Ngoài ra, Nasdaq Composite sụt 4,73%.
Ông Cramer lưu ý rằng thị trường chứng khoán bị bán tháo cho thấy người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu hơn, trong khi tồn kho dư thừa của các đại gia bán lẻ có thể dẫn đến việc giá hàng hóa hạ nhiệt. Các yếu tố này có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng ông Powell vẫn còn một con đường gian nan phía trước để chế ngự lạm phát.
“Hãy nhớ rằng, tiền tiết kiệm của người tiêu dùng sẽ giúp đánh gục lạm phát, trong khi chi tiêu nhiều hơn lại càng tạo đà cho lạm phát đi lên. Chi tiêu của người dân giảm khiến công việc của ông Powell dễ thở hơn rất nhiều”, Cramer giải thích.