|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed đẩy các thị trường mới nổi vào cảnh bán tháo, cổ phiếu giá trị cũng không thoát

16:07 | 09/05/2022
Chia sẻ
Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Fed trong hai thập kỷ qua đang khiến các thị trường mới nổi rơi vào tình trạng bán tháo tràn lan, ngay cả các cổ phiếu giá trị cũng lao đao.

Fed đẩy thị trường mới nổi vào tai ương

Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, động thái mạnh tay nhất trong 20 năm qua.

Đồng thời, Fed còn thông báo sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6 cũng như hàm ý về nhiều đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản khác.

(Ảnh minh họa: Getty Images). 

Quyết định của ngân hàng trung ương Mỹ đang đẩy các thị trường mới nổi vào tình trạng bán tháo nghiêm trọng. Ta có thể lấy cổ phiếu giá trị (value stock) làm ví dụ.

Cổ phiếu của các công ty lớn với mức cổ tức cao và định giá rẻ đang hưởng lợi tại Mỹ và châu Âu, nơi nhà đầu tư đang chuyển từ mua các cổ phiếu đắt đỏ trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh như công nghệ sang cổ phiếu giá trị.

Tuy nhiên, xu hướng này lại không xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi, nơi cả hai loại cổ phiếu đều giảm song song với nhau.

Ở các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ khác của Fed, thị trường chứng khoán ở các nước đang phát triển đều tăng điểm. Lần này có thể khó khăn hơn vì Fed không “ăn nói” nhẹ nhàng như trong quá khứ, chẳng hạn như hồi năm 2016.

Hơn nữa, thực tế là thanh khoản đang cạn kiệt trên khắp thế giới, khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với những cổ phiếu giá hời, Bloomberg lưu ý.

Ông Nick Colas - đồng sáng lập của hãng nghiên cứu DataTrek Research, chia sẻ: “Các thị trường mới nổi đang quay về với triết lý đầu tư căn bản: Thường chẳng ai muốn mua cổ phiếu ở thị trường mới nổi cho đến khi Fed hoàn thành việc siết chặt chính sách”.

 

Các cổ phiếu giá trị thường được ưa chuộng khi Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vì lợi nhuận tốt và cổ tức cao của nhóm này sẽ giúp nhà đầu tư giảm bớt tác động khi chi phí đi vay tăng cao hơn và giá cổ phiếu bị điều chỉnh.

Trong chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed giai đoạn 2004 - 2007, chỉ số cổ phiếu giá trị tại thị trường mới nổi của MSCI (MSCI EM Value Index) đã tăng tới 216%. Trong hai năm tính đến tháng 1/2018, mức tăng 61% của chỉ số này cũng trùng hợp với đợt nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.

Song, giờ đây mối liên kết đó đã bị phá vỡ. MSCI EM Value Index đã mất 13% trong ba tháng qua, chỉ tốt hơn một chút so với mức giảm 16% của chỉ số tương ứng dành cho cổ phiếu tăng trưởng.

Một trong các yếu tố chính đằng sau sự sụt giảm của cổ phiếu giá trị là đồng USD đang mạnh lên. Đồng bạc xanh gây ra rủi ro tiền tệ như nhau đối với tất cả các cổ phiếu, bất luận mức định giá tương đối là bao nhiêu.

Điều đó khiến các nhà đầu tư không có nhiều cơ hội để phân biệt rủi ro, đặc biệt là khi đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016.

Cuống cuồng tháo chạy

Hai dòng cổ phiếu hàng đầu trong “vũ trụ” cổ phiếu giá trị - hàng hóa và tài chính, đã bắt đầu chao đảo. Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg đang đi xuống kể từ mức đỉnh ngày 18/4, trong khi giá dầu thô đã mất 13% kể từ đầu tháng 3.

Các nhà đầu tư đang bán tháo một loạt đồng tiền tệ, cổ phiếu và trái phiếu liên quan tới hàng hóa, dẫn đến việc dòng vốn vào các nước đang phát triển đã giảm 6% trong 5 tuần vừa qua.

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty môi giới National Securities, cho hay: “Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi có xu hướng biến động theo sức mạnh của đồng USD. Đồng USD đang tăng cao và cản trở dòng tiền vào nhóm thị trường này”.

Ngoài ra, các đợt bùng phát COVID mới ở Trung Quốc, cùng chính sách dập dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh, đã làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng nhanh hơn và tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân sẽ chững lại.

Các rủi ro này có thể làm suy yếu nhu cầu của Trung Quốc đối với mọi thứ, từ nguyên liệu thô đến các khoản vay ngân hàng, từ đó kéo tụt hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, Bloomberg nhận định.

“Lực cản đang hình thành khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng mạnh và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp Trung Quốc đi xuống. Hai yếu tố này mang dòng tiền đầu tư…rời xa các nền kinh tế mới nổi”, chiến lược gia Leonardo Pellandini của Julius Baer nói thêm.

 

Trong khi đó, lãi suất không phải tăng ở tất cả mọi nơi. Trung Quốc, quốc gia chiếm một phần ba tỷ trọng các chỉ số thị trường mới nổi, lại đang giảm lãi suất để đối phó với những khó khăn kinh tế. Còn các nước khác như Brazil lại đang gần kết thúc giai đoạn tăng lãi suất. Điều đó khiến các nhà đầu tư bớt nhu cầu tìm đến cổ phiếu giá trị.

Khả Nhân