|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do Fed không tăng lãi suất 75 điểm cơ bản và những điều đáng chú ý trong buổi họp báo của ông Powell

14:22 | 05/05/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Fed đã né tránh câu hỏi quan trọng nhất về lãi suất, nhưng giới chuyên gia không gặp mấy khó khăn khi tìm câu trả lời.

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed. (Ảnh: Getty Images). 

Hôm 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản – động thái mạnh nhất trong hơn 20 năm. Đồng thời, Fed còn thông báo ngày bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối kế toán 9.000 tỷ USD.

Sau đó Chủ tịch Jerome Powell nói chuyện với các phóng viên trong khoảng một giờ. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý trong buổi họp báo của ông Powell.

Vì sao Fed gạt bỏ việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản?

Ông Powell đã gạt bỏ mọi đồn thổi xoay quanh khả năng Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại các cuộc họp kế tiếp. Ông tuyên bố: “75 điểm cơ bản không phải là điều mà Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang tích cực xem xét”. Phản ứng của các chuyên gia mà tờ MarketWatch phỏng vấn rất khác nhau, từ kinh ngạc đến thờ ơ.

Ông Roberto Perli, trưởng bộ phận chính sách toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler, nhận xét rằng ông Powell đã biến buổi họp báo thành “một FOMC hiền dịu bất ngờ”. Thị trường phản ứng rất mạnh mẽ, chứng khoán Mỹ bật tăng, lợi suất trái phiếu Kho bạc giảm và đường cong lợi suất dốc lên.

Ông ngờ rằng Chủ tịch Fed không có ý khẳng định chắc như đinh đóng cột như cách diễn giải của thị trường. “Có lẽ ý ông Powell chỉ muốn nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách không muốn cân nhắc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lúc này, nhưng không nói trước điều gì cho tương lai”.

Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics cho rằng phát ngôn của ông Powell là một sai lầm vụng về. Trong cuộc phỏng vấn, bà đánh giá: “Chẳng có hại gì nếu để thị trường kỳ vọng Fed tăng lãi suất 0,75 điểm % hay 1 điểm %”.

Bà cho rằng việc để thị trường lo lắng về một động thái tăng lãi suất lớn có thể hữu dụng, đặc biệt là khi ông Powell nhấn mạnh rằng Fed muốn nhanh chóng thắt chặt chính sách và điều kiện tài chính. Nhưng thay vì ngày càng sợ hãi về lãi suất cao, giá trái phiếu lại bật tăng.

Bà nói thêm: “Có lẽ ông Powell đang cố gắng xoay xở để đưa nền kinh tế 'hạ cánh mềm' bằng cách tránh thắt chặt điều kiện tài chính quá nhanh”.

Ông Robert Brusca, nhà kinh tế trưởng tại FAO Economics, thì thấy khó hiểu trước sự chú ý về phương án 75 điểm cơ bản. Theo ông thì động thái lớn đến vậy chưa bao giờ nằm trong chuẩn mực của Fed. Cựu Chủ tịch Alan Greenspan chỉ làm vậy một lần sau khi ông bỏ qua một dịp tăng lãi suất vì kỳ bầu cử. Ông Brusca cho rằng lời của ông Powell khá vô nghĩa.

Sau buổi họp báo của ông Powell, các nhà kinh tế dự kiến sẽ Fed có hai lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lần lượt vào tháng 6 và 7.

Sự mập mờ về lãi suất trung tính

Một lần nữa, ông Powell nhấn mạnh Fed muốn đưa lãi suất chuẩn lên mức “trung tính”. Nhưng ông kiên quyết từ chối đưa ra con số cụ thể. Ông nói rằng trung tính “là một khái niệm”, “không phải thứ mà chúng ta có thể xác định chuẩn xác”. Nhưng các nhà kinh tế bên ngoài Fed thì không nhiều khó khăn khi ước tính lãi suất trung tính.

Trong suốt nhiều tháng, các cuộc bàn luận thường xoay quanh con số 2,4%. Một số quan chức Fed ám chỉ mức này và dự báo kinh tế hàng quý của Fed cũng đặt lãi suất chuẩn “trong dài hạn” ở mức 2,4%.

Nhưng ông Andrew Levin, Giáo sư kinh tế tại Đại học Dartmouth, đồng thời là quan chức lâu năm tại Fed thì cho rằng con số trên không đúng. Trong bối cảnh lạm phát PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) leo lên mức 5,2% theo tỷ lệ chuẩn hóa hàng năm, ông khẳng định lãi suất trung tính phải nằm trong vùng 5-6%.

Vị giáo sư nói thêm rằng con số 2,4% thường được trích dẫn chỉ có thể coi là “trung tính” khi lạm phát bằng với mục tiêu của Fed là 2%. Ông dự đoán “có lẽ lãi suất chính sách của Fed sẽ phải được kéo lên mức 4% hoặc 5% vào cuối năm nay”.

Dựa trên công cụ theo dõi CME Fed Watch, thị trường đang kỳ vọng lãi suất chính sách của Fed vào khoảng 3 – 3,25% vào cuối năm nay, rồi được đẩy lên 3,5 – 3,7% trước tháng 7/2023.

Tuy nhiên, theo tờ MarketWatch, trong tuần qua, giới chuyên gia đã sôi nổi thảo luận về khả năng Fed sẽ phải kéo lãi suất lên 4 – 5%. Ông Richard Fisher, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas đồng tình rằng 5% là “mức hợp lý” đối với lãi suất chuẩn của Fed.

Lạm phát là vấn đề chính trị

Một điểm đáng lưu ý khác là cuộc mở màn họp báo của ông Powell. Chủ tịch Fed bày tỏ, “tôi muốn trò chuyện trực tiếp với người dân Mỹ”, sau đó nhấn mạnh “lạm phát đang quá cao”.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi hiểu nỗi khổ mà lạm phát gây ra và đang hành động nhanh chóng để khắc phục tình hình. Chúng tôi có công cụ cần thiết và quyết tâm để ổn định giá cả trở lại vì các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ”.

Thông điệp ở đây là gì? Ông Vincent Reinhart, cựu nhân viên cấp cao của Fed giải thích, Fed có thể đang muốn nói với công chúng rằng "Chúng ta đang đồng cam cộng khổ" và "Tôi cảm nhận được khó khăn của bạn".

Ông cho rằng Fed đã điều chỉnh cách truyền đạt của mình. "Điều này cho thấy Fed đã nhận ra rằng lạm phát đang trở thành vấn đề chính trị”, vị chuyên gia cho hay.

Bảng cân đối là vấn đề thứ yếu

Cũng theo ông Reinhart, Chủ tịch Powell đã cho thấy rõ rằng các quan chức Fed coi việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán là chuyện bên lề. Ông chỉ ra rằng ông Powell đã nhún vai khi được hỏi rằng kế hoạch để bảng cân đối “xẹp đi” 1.000 tỷ USD mỗi năm tương đương với bao nhiêu lần tăng lãi suất 0,25 điểm %.

Fed thậm chí còn không đặt mục tiêu sẽ bán tổng cộng bao nhiêu tài sản. Bank of America Global ước tính kế hoạch của Fed sẽ làm 3.000 tỷ USD tài sản “chảy” khỏi bảng cân đối kế toán trong ba năm tiếp theo.

Giang