|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các cựu quan chức gióng hồi chuông cảnh báo, thị trường e ngại Fed mắc sai lầm tai hại

08:02 | 04/05/2022
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang được giao một nhiệm vụ khó nhằn là làm chậm nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ để kiểm soát lạm phát nhưng không đến mức gây suy thoái, và thị trường đang e sợ Fed sẽ mắc sai lầm.

Khó thoát suy thoái

Tâm điểm của tuần này là cuộc họp của Fed. Thị trường tin chắc các nhà hoạch định chính sách không chỉ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản mà còn tuyên bố giảm nắm giữ lượng trái phiếu tích lũy trong thời kỳ COVID.

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm vào tháng 6, sau đó đi chậm lại và cuối cùng đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 3% vào cuối năm.

Tuy nhiên, thị trường vẫn ngờ vực liệu ngân hàng trung ương Mỹ có thể ghìm cương ghìm cương lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Tất cả đều không có gì chắc chắn, vì tình hình phụ thuộc phần nhiều vào nền kinh tế Mỹ.

Trong quý I năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ ghi nhận tăng trưởng âm, GDP giảm 1,4% (theo tỷ lệ đã được chuẩn hóa theo năm).

 Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Cựu Phó Chủ tịch Fed Roger Ferguson cho hay: “Suy thoái kinh tế ở giai đoạn này là gần như không thể tránh khỏi. Tôi tin xác suất xảy ra suy thoái, rất không may, là cực kỳ cao vì công cụ của Fed quá thô sơ và tất cả những gì họ có thể kiểm soát là tổng cầu”.

Trao đổi với CNN, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York - Bill Dudley, có cùng quan điểm. Ông nói thêm: “Fed phải làm chậm nền kinh tế và khiến thị trường lao động trì trệ một chút. Đó là một nhiệm vụ khó nhằn”.

Trên thực tế, đầu cung mới là nguyên nhân dẫn đến phần lớn vấn đề lạm phát, vì nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng Mỹ đã vượt xa cung một cách ấn tượng trong kỷ nguyên COVID.

Sau khi dành phần lớn năm 2021 để nhấn mạnh lạm phát chỉ là “vấn đề tạm thời” và có thể tan biến khi các điều kiện trở lại bình thường, giới chức Fed năm nay đã phải thừa nhận lạm phát đang trở nên dai dẳng hơn.

Ông Ferguson dự đoán suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào năm 2023 và cựu Phó Chủ tịch Fed hy vọng đây là “một cuộc suy thoái nhẹ”. Trong khi đó, ông Dudley cho biết xác suất xảy ra suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024 là trên 50%.

 

Thời điểm khó nhằn

Theo ông Tom Porcelli - kinh tế trưởng khu vực Mỹ tại RBC Capital Markets, “những rủi ro ngày càng tăng” trong nền kinh tế có thể làm lệch kế hoạch của Fed.

“…trong khi mọi người tập trung vào dữ liệu/lợi nhuận doanh nghiệp và thấy tất cả đều ổn vào thời điểm hiện tại, thì các vết nứt đang hình thành”, ông Porcelli cho hay. “Hơn nữa, mọi thứ xảy ra khi áp lực lạm phát có khả năng đã chững lại...”.

Số liệu lạm phát chính thức vẫn đang ở mức đỉnh 40 năm. Song, một thước đo lạm phát yêu thích của Fed chỉ tăng 0,3% trong tháng 3 và một chỉ số khác của Fed chi nhánh Dallas đã giảm từ mức 6,3% trong tháng 1 xuống 3,1% vào tháng 3.

Các con số trên gợi lên nỗi sợ hãi tồi tệ nhất ở Phố Wall, cụ thể là Fed có thể đang bị hụt hơi so với đường cong lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ đã phớt lờ khi lạm phát bắt đầu phình to và thắt chặt chính sách khi lạm phát có dấu hiệu chững lại, theo CNBC.

 

Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York Bill Dudley cho rằng Fed xứng đáng được khen ngợi vì phản ứng rất nhanh chóng và mạnh mẽ trong thời kỳ đầu của đại dịch, nhưng họ cũng đáng bị chỉ trích vì chần chừ trước lạm phát.

“Fed đã rất chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ”, ông Dudley nhấn mạnh. “Nhìn lại thì, dường như Fed đã mắc phải một sai lầm về chính sách”.

Về lý thuyết, ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất mạnh tay để dập tắt lạm phát. Song, Fed càng làm vậy, thì nguy cơ tính toán sai lầm lại càng lớn và có thể đặt dấu chấm hết cho quá trình phục hồi.

"Đó là lý do tại sao Fed không dễ thực hiện các cuộc hạ cánh mềm. Vào thời điểm bạn biết mình đã làm quá tay, thứ kế tiếp bạn nhận ra là nền kinh tế đã ở trong một cuộc suy thoái", ông Dudley giải thích.

 

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).