|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Lạm phát giờ trưa’ bào mòn túi tiền người lao động toàn cầu

15:21 | 09/06/2022
Chia sẻ
Sau thời gian dài phải làm việc từ xa vì đại dịch COVID-19, hàng triệu người lao động trên khắp thế giới đang quay trở lại văn phòng. Vậy mà, thứ chào đón họ lại là những bữa trưa tốn kém hơn xưa.

(Ảnh minh họa: Wall Street Journal/iStock).

Sau hơn hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, hàng triệu người lao động trên khắp thế giới đã quay trở lại văn phòng làm việc. Thế nhưng, thứ chào đón họ lại là cơn bão giá hiếm có trong lịch sử.

Từ xăng dầu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm tươi sống, tất cả đều đang tăng chóng mặt. Cho nên, ngay cả tô bún bò, cái bánh sandwich hay cốc cà phê của dân công sở cũng đang rượt đuổi theo đà tăng chung.

Và từ đó, các nhà kinh tế lại vẽ ra ra một khái niệm mới, dành để mô tả ảnh hưởng của lạm phát đối với chi phí ăn trưa của người lao động trên khắp hành tinh. Đó chính là “lạm phát giờ trưa” (lunchflation hay lunch inflation).

Lạm phát giờ trưa do đâu mà ra?

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã tắc nghẽn hơn hai năm, do những bất cập trong chiến lược Zero COVID của Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt trầm trọng container và cú sốc giá cước vận tải biển…

Vật giá dần tăng cao do các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng. Mặt khác, sự nhận thức chậm trễ của các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến áp lực giá cả phình to và tạo nên cú sốc lạm phát như hiện nay.

Các sự kiện thế giới gần đây càng tạo đà cho lạm phát hoành hành. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng thêm do chuỗi cung ứng bị cuốn vào các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt cho Moscow.

Các đợt hạn hán nghiêm trọng ở những nước xuất khẩu nông sản lớn như Brazil và Argentina cũng giúp giá ngô, đậu nành, lúa mì, đường và cà phê leo thang lên các mức cao lịch sử.

 

Ở diễn biến khác, lĩnh vực ăn uống, bao gồm những chuỗi thức ăn lớn như Subway, Starbucks,…hay các cơ sở nhỏ lẻ chính là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi chính sách phong tỏa.

Đồng thời, một lượng lớn người lao động vẫn ngần ngại trở lại làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng. Để thu hút người lao động, các nhà hàng buộc phải tăng lương.

Nhằm bù đắp cho việc chi phí vận hành tăng cao do lạm phát tiền lương và nguyên liệu thô, các cửa hàng ăn uống phải tăng giá thực đơn. Chẳng hạn, Starbucks đã tăng giá ở Mỹ vào tháng 10 năm ngoái cũng như vào đầu năm ngoái và cho biết giá có thể sẽ tiếp tục tăng.

Dân công sở khóc ròng

Chia sẻ với CNN, cô Kelly Yau McClay sống ở Potomac, bang Maryland bày tỏ: “Lạm phát giờ trưa là có thật 100%, mọi thứ đều đắt đỏ hơn. Trước đây, tôi có thể mua bữa trưa với giá khoảng 7 - 12 USD. Bây giờ, chẳng có cách nào xoay được bữa trưa tươm tất với giá dưới 15 USD”.

Tại Mỹ, công ty thanh toán Square đã tính ra rằng giá của các món ăn trưa tiêu chuẩn ở những thành phố như San Francisco, Seatle, New York, Washington D.C. và Austin đều đang tăng vọt. Kể từ tháng 3/2021 đến ngày 1/3/2022, giá trung bình của bánh mì cuộn tăng 18%, sandwich 14%, salad 11% và burger 8%.

Không chỉ tại phương Tây mà ở châu Á, dân công sở cũng đang chịu áp lực chi tiêu tương tự. Tờ Korea Times mô tả, một trưa thứ 6 gần đây, giao lộ Gwanghwamun ở Seoul (Hàn Quốc) đang đông nghẹt nhân viên văn phòng đi ăn trưa.

Một tấm bảng trước một nhà hàng đồ Hoa ghi: “Thành thật xin lỗi vì chúng tôi phải tăng 500 won cho mỗi món trên thực đơn, tất cả là do lạm phát”. Hầu như các nhà hàng gần trạm metro Gwanghwamun đều dán đè giá mới lên menu cũ.

Jeong Mi-kyung, một nhân viên văn phòng đã làm việc 5 năm ở khu vực này, cho biết cô rất lo lắng về việc giá cả leo thang như hiện nay. “Ngay cả kimbap cũng đắt hơn. Tôi thỉnh thoảng mời các đàn anh ăn trưa và giờ cảm thấy rất áp lực để trả tiền cho bữa ăn của họ”.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, lạm phát giá tiêu dùng của xứ sở kim chi trong tháng 5 năm nay đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong 13 năm và 9 tháng.

 

Ở TP HCM, Bích Phương, một nhân viên công ty kiểm toán với mức lương cứng 11,5 triệu đồng/tháng, cũng đang cảm thấy sức ép. Chia sẻ với Zing News, cô gái cho hay: “Chỉ trong vài tháng, số tiền phải chi hàng ngày của tôi tăng hơn hai đến ba lần. Số tiền tích lũy thì ngày càng giảm”.

Theo Phương, vài tháng trước, bữa trưa với một tô bún bò 30.000 đồng là đã đủ no nhưng giờ đây, cô phải mang theo số tiền gấp đôi. “Dễ nhận thấy nhất là tiền ăn trưa và phí ship của ứng dụng giao hàng. Xung quanh công ty tôi, không còn tiệm nào bán tô bún 30.000 đồng mà đầy đặn như trước đây nữa”, Phương kể với Zing News.

Hậu quả tất yếu

Một khi chi phí dành cho bữa trưa lên cao như vậy, thì tổng mức chi tiêu của dân công sở toàn cầu chắc chắn sẽ phải đội thêm vài phần, bất chấp mức lương có được cải thiện hay không. Về lâu dài, túi tiền của người lao động sẽ bị bào mòn.

Chẳng hạn, phân tích hồi đầu năm nay của CNBC chỉ ra, lạm phát tiêu dùng tháng 12 năm ngoái của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ. Trung bình, một người tiêu dùng sẽ phải trả 107 USD cho hàng hóa, thay vì 100 USD như một năm trước.

Trong khi đó, mức lương trung bình năm 2021 cũng tăng đáng kể, lên hơn 31 USD/giờ - tương đương tăng 4,7% so với năm trước. Dù lương tăng, lạm phát vẫn ăn vào ngân sách của các hộ gia đình. Do đó, trên thực tế, người lao động trung bình lại bị cắt mất 2,4% lương vào năm ngoái.

Ông Greg McBride, Giám đốc cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Bankrate, bình luận: “2021 là năm ghi nhận tăng trưởng tiền lương tốt nhất trong nhiều năm qua. Nhưng ngay cả trong một năm như vậy, nhiều hộ gia đình vẫn chịu thiệt. Mức chi tiêu của họ thậm chí tăng còn nhanh hơn và lương tăng cũng chẳng ích lợi gì”.

 

Chưa kể, lạm phát giờ trưa còn gây ra áp lực lên mối quan hệ giữa người lao động và đồng nghiệp, theo Wall Street Journal. Trường hợp của cô Jeong Mi-kyung ở Gwanghwamun, Hàn Quốc là một ví dụ.

Hay như cô Mariah Hagan, một nhân viên văn phòng được Wall Street Journal phỏng vấn, cho biết công phải từ chối đi ăn trưa cùng đồng nghiệp do các hạn chế về tài chính cá nhân.

Hagan chia sẻ: “Tôi có hơi thất vọng, vì đồ ăn trưa tăng giá mà số bữa trưa ăn cùng nhau của nhóm chúng tôi đã giảm đi một phần. Điều đó làm hạn chế khả năng tương tác giữa mọi người”.

Yên Khê