|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Shrinkflation' tăng tốc chóng mặt: Nhà sản xuất âm thầm thu nhỏ hàng hóa để chống chọi lạm phát

12:12 | 09/06/2022
Chia sẻ
Lần tới đi siêu thị, hãy kiểm tra thật kĩ bao bì bởi nhiều khả năng nhà sản xuất đang âm thầm thu nhỏ sản phẩm để chống lại lạm phát leo thang.

Lạm phát khó nhận biết

Theo NPR, từ giấy vệ sinh tới sữa chua, cà phê hay bim bim, các nhà sản xuất đang âm thầm thu nhỏ kích thước, khối lượng hay số lượng sản phẩm mà không giảm giá thành. Hành vi này được gọi bằng cái tên “shrinkflation” (lạm phát thu nhỏ), và đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới.

Shrinkflation là một thuật ngữ ghép bởi hai từ “shrink” (thu nhỏ) và “inflation” (lạm phát). Hành vi này bắt đầu phổ biến vào những năm 1960 và 1970, khi các nhà sản xuất giải quyết lạm phát leo thang bằng cách điều chỉnh số lượng, khối lượng mặt hàng thay vì nâng giá.

Ban đầu, shrinkflation không thu hút nhiều sự chú ý, bởi lẽ rất khó để phân biệt được sự thay đổi giá trên đơn vị hàng hóa. Trên thực tế, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho cùng một lượng sản phẩm so với trước đây.

Người đầu tiên cảnh báo về “shrinkflation” là nghệ sĩ châm biếm Art Buchwald. Trong một bài viết mang tên “Lạm phát đóng hộp” xuất bản vào năm 1969, ông đã đả kích hành vi che giấu việc tăng giá của các nhà sản xuất.

Ở Mỹ, một hộp khăn giấy Kleenex nhỏ hiện có 60 tờ; cách đây vài tháng, nó có 65. Sữa chua Chobani Flips đã giảm từ 150 g xuống còn 127,5 g.

Tại Anh, Nestle đã thu nhỏ hộp cà phê Nescafe Azera Americano của mình từ 100 g xuống chỉ còn 90 g. Ở Ấn Độ, một thanh xà phòng rửa bát Vim đã giảm khối lượng từ 155 gthành 135 g.

Nestle thu nhỏ hộp Nescafe. (Ảnh: Wales Online).

Diễn ra với tốc độ chóng mặt

Các chuyên gia cho biết “lạm phát thu nhỏ” không hề mới. Nhưng hiện tượng này đang diễn ra nhanh chóng trong thời kỳ lạm phát cao khiến các công ty phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, đóng gói, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng. 

Theo S&P Global, lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu ước tính đã tăng 7% trong tháng 5, và tốc độ này thể sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9.

Tỷ lệ lạm phát của G7 đã vượt 7% vào tháng 4/2022.

Ông Edgar Dworsky, nhà quan sát đã dành thời gian ghi lại tình trạng shrinkflation trên website "Consumer World" trong nhiều thập kỷ qua, cho biết: "’Shrinkflation’ đến theo từng đợt. Lý do khiến lần ‘lạm phát thu nhỏ’ này lớn là vì lạm phát thực tế đang diễn ra trên toàn cầu".

Dworsky bắt đầu chú ý đến những chiếc hộp nhỏ hơn trên gian hàng ngũ cốc tại siêu thị vào mùa thu năm ngoái, và tình trạng lạm phát thu nhỏ đã bùng phát từ đó. 

Ông có thể dẫn ra hàng tá ví dụ, như giấy vệ sinh Cottonelle Ultra Clean Care đã giảm từ 340 tờ/cuộn xuống còn 312 tờ. Hộp cà phê Folgers từ 1,44 kg thì giờ chỉ còn 1,23 kg nhưng Folgers tuyên bố hãng đã sử dụng công nghệ mới tạo ra hạt đậu nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo pha được 400 cốc/hộp.

Ông Dworsky cho biết “lạm phát thu nhỏ” hấp dẫn các nhà sản xuất vì khách hàng thường có thể nhận thấy giá tăng nhưng ít khi theo dõi khối lượng tịnh hoặc các chi tiết nhỏ, như số tờ trên một cuộn giấy vệ sinh. 

So sánh khối lượng hoặc số lượng của một số mặt hàng tại siêu thị Anh. (Ảnh: Daily Mail).

Theo NPR, các công ty cũng có thể sử dụng một số thủ thuật để khiến khách hàng không chú ý việc giảm kích thước, chẳng hạn như đánh dấu các gói hàng mới bằng nhãn sáng màu, bắt mắt.

Thủ thuật này chính là những gì mà Fritos của PepsiCo đã làm. Túi Fritos Scoops dành cho các bữa tiệc từng có khối lượng 510 g; một số vẫn đang được bán tại một chuỗi cửa hàng tạp hóa tại bang Texas. Nhưng hầu hết các chuỗi lớn khác hiện đang quảng cáo Fritos Scoops chỉ còn 440 g, và với mức giá đắt hơn.

PepsiCo không phản hồi khi được hỏi về Fritos. Tuy nhiên, công ty này đã thừa nhận về sự co lại của các chai nước ngọt Gatorade. Công ty gần đây đã bắt đầu loại bỏ những chai 946 ml và thay thế bằng chai 830 ml, được thuôn nhọn ở giữa để dễ cầm hơn. 

Chai Gatorade mới (phải) có thể tích nhỏ hơn nhưng được thay đổi thiết kế. (Ảnh: AP).

PepsiCo cho biết sự thay đổi này đã diễn ra trong nhiều năm và không liên quan đến tình hình kinh tế hiện tại. Nhưng gã khổng lồ ngành nước giải khát lại không giải thích được vì sao phiên bản 830 ml lại đắt hơn.

Tương tự như, Kimberly-Clark công ty sản xuất cả Cottonelle và Kleenex cũng không trả lời yêu cầu bình luận về kích thước gói hàng đã giảm. 

Procter & Gamble Co. cũng không đưa ra được lời giải thích khi được hỏi về dầu xả Pantene Pro-V Curl Perfection, giảm từ 355 ml xuống 308 ml nhưng vẫn giữ nguyên mức giá 3,99 USD.

Snack Day Sunny đã giảm từ 8 thanh/hộp xuống chỉ còn 7 thanh, nhưng giá niêm yết tại nhiều cửa hàng vẫn là 3,69 USD. Hain Celestial Group, chủ sở hữu của thương hiệu, cũng không có câu trả lời.

Dẫu vậy, một số công ty vẫn thẳng thắn về những thay đổi. Tại Nhật Bản, nhà sản xuất đồ ăn nhanh Calbee Inc. tuyên bố giảm 10% trọng lượng và tăng giá 10% đối với nhiều sản phẩm của mình vào tháng 5. Công ty đổ lỗi cho chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh.

Vào tháng 1, Domino's Pizza đã thông báo giảm số lượng trong hộp cánh gà 10 miếng xuống còn 8 miếng và giữ nguyên mức giá là 7,99 USD. Công ty biện minh cho hành động này bởi giá gà đã tăng.

Ở Ấn Độ, "down-switch" (“chuyển đổi giảm”),  một thuật ngữ khác của lạm phát thu nhỏ chủ yếu được thực hiện ở các vùng nông thôn, nơi người dân nghèo hơn và nhạy cảm hơn với giá cả, ông Byas Anand, người đứng đầu bộ phận truyền thông một công ty kinh doanh thực phẩm và chăm sóc người tiêu dùng cho biết. 

Ở các thành phố, các công ty chỉ đơn giản là tăng giá. “Công ty của tôi đã làm điều này một cách công khai từ nhiều năm nay,” Anand nói.

Một số khách hàng đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội sau khi nhận thấy việc hàng hóa tiêu dùng bị thu nhỏ kích thước hoặc khối lượng. Những người khác nói rằng shrinkflation đang khiến họ thay đổi thói quen mua sắm.

Anh Alex Aspacher chịu trách nhiệm mua sắm hàng tạp hóa và lập kế hoạch bữa ăn cho gia đình 4 người tại Haskins, Ohio. Anh để ý việc gói pho mát Thụy Sĩ cắt lát nặng 450 g mà anh thường mua đã giảm xuống còn 340 g nhưng vẫn giữ nguyên giá 9,99 USD. 

Giờ đây, anh đang săn lùng các đợt giảm giá hoặc mua một khối pho mát lớn và tự mình cắt. Anh Aspacher nhận ra giá cả sẽ tăng khi bắt đầu đọc được về việc công nhân tạp hóa sẽ được nâng lương. Nhưng tốc độ của sự thay đổi và thu nhỏ của các gói hàng, đã khiến anh ngạc nhiên.

“Tôi đã chuẩn bị ở một mức độ nào đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy giới hạn cuối cùng”, anh Aspacher nói. "Tôi hy vọng xu hướng này sẽ sớm kết thúc".

Có phải hành vi trục lợi?

Đôi khi xu hướng shrinkflation có thể đảo ngược. Khi lạm phát giảm bớt, môi trường cạnh tranh có thể buộc các nhà sản xuất phải giảm giá hoặc bán lại hàng hóa với khối lượng tịnh hay thể tích lớn hơn.

Nhưng ông Dworsky cho biết một khi sản phẩm đã bị thu nhỏ, thì việc thay đổi thường khó xảy ra. "Tăng cỡ là hiện tượng hiếm," ông nói.

Ông Hitendra Chaturvedi, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học Arizona cho biết nhiều công ty đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động và chi phí nguyên liệu thô cao.

Nhưng trong một số trường hợp, lợi nhuận của các công ty hoặc doanh thu trừ đi chi phí cũng đang tăng lên theo cấp số nhân, và ông Chaturvedi cho rằng hiện tượng này rất đáng lo ngại.

Ông chỉ ra ví dụ của Mondelez International, công ty đã chịu nhiều chỉ trích vào đầu năm nay khi thu nhỏ kích thước của thanh Cadbury Dairy Milk tại Anh mà không giảm giá. 

Thu nhập kinh doanh của công ty tăng 21% vào năm 2021, nhưng giảm 15% trong quý I/2022 do áp lực chi phí gia tăng. Để so sánh, lợi nhuận hoạt động của PepsiCo tăng 11% vào năm 2021 và 128% trong quý đầu tiên của 2022.

Ông Chaturvedi nói: “Tôi không dám khẳng định rằng họ đang trục lợi, nhưng có vẻ như vậy. Dường như các doanh nghiệp đang sử dụng những hạn chế về nguồn cung như một vũ khí để kiếm nhiều tiền hơn?".

Minh Quang