|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chu kì sáng tạo (The Innovation Circle) là gì? Các giai đoạn và ứng dụng

11:26 | 12/12/2019
Chia sẻ
Chu kì sáng tạo (tiếng Anh: The Innovation Circle) là mô hình dành cho việc phân tích một cách hiệu quả và quản lí thành công liên tục vòng đời của một hoạt động sáng tạo mới.
Chu kì sáng tạo (The Innovation Circle) là gì? Các giai đoạn và ứng dụng - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: biospectrumasia.com)

Chu kì sáng tạo

Khái niệm

Chu kì sáng tạo trong tiếng Anh là The Innovation Circle.

Chu kì sáng tạo là mô hình dành cho việc phân tích một cách hiệu quả và quản lí thành công liên tục vòng đời của một hoạt động sáng tạo mới. Sáng tạo ở đây là tạo ra sản phẩm, qui trình hay dịch vụ mới, là một quá trình thiết yếu nhằm tạo ra một lợi thế cạnh tranh (lâu dài).

Tuy nhiên, các qui trình sáng tạo thường phức tạp và không dễ kiểm soát. Mô hình này đã xác định giai đoạn nào là giai đoạn quan trọng nhất và cần được nhà quản lí tập trung quan tâm nhất trong chu kì sống của một hoạt động sáng tạo.

Các giai đoạn của chu kì sáng tạo

Việc tạo ra sản phẩm, qui trình hay dịch vụ mới là thách thức chủ yếu đối với nhà quản lí. Chu kì sáng tạo xác định ba giai đoạn chính cần thiết để quản lí chu kì sáng tạo thành công: khởi tạo, thực hiện và vốn hóa.

1. Giai đoạn khởi tạo

Giai đoạn này bao gồm ba bước: ghi nhận yếu tố kích thích, khởi tạo ý tưởng và qui trình khởi tạo chức năng (Function Creation Process - FCP).

- Ghi nhận yếu tố kích thích: ở bước này, các yếu tố kích thích bên ngoài khởi xướng quá trình sáng tạo được phân biệt và làm rõ. Ví dụ về các yếu tố này: tăng trưởng bị thuyên giảm, thương hiệu bị suy yếu, độ thỏa mãn của khách hàng suy giảm hay sự phát triển của các công nghệ mới…

- Khởi tạo ý tưởng: ở bước này, việc xuất hiện các ý tưởng là trọng tâm. Các yếu tố kích thích khởi xướng cho việc tạo ra ý tưởng (sản phẩm) mới. Những ý tưởng mới tốt nhất sẽ được lựa chọn và chuyển sang bước tiếp theo.

Trong suốt quá trình này, cần hướng sự tập trung vào nhu cầu của khách hàng. Tạo ra giá trị mới cho khách hàng là mục tiêu cuối cùng. Có thể nhận ra giá trị khách hàng bằng cách xác định phần thưởng, rủi ro (công nghệ và thị trường) và nguồn lực (đầu tư).

- Qui trình khởi tạo chức năng (FCP): ở bước này, các ý tưởng được biến đổi thành các chức năng có thể thực hiện. Thêm vào đó, rủi ro được nhận diện, vì vậy có thể được kiểm soát.

2. Giai đoạn thực hiện

Trong giai đoạn này, sản phẩm, qui trình hay dịch vụ mới được phát triển sâu hơn, việc ra mắt thị trường được chuẩn bị và thực hiện. Giai đoạn này chia làm hai bước: qui trình khởi tạo sản phẩm (Product Creation Process - PCP) và ra mắt thị trường.

- Qui trình khởi tạo sản phẩm (PCP): trong qui trình PCP, sản phẩm và dịch vụ mới được phát triển từ các đặc tính đã được tạo ra trong giai đoạn FCP. Ở bước này, sản phẩm được kiểm nghiệm, ví dụ như việc phát triển một sản phẩm mẫu và cho hoạt động thử.

- Ra mắt thị trường: ở bước này, tất cả các vấn đề liên quan tới việc ra mắt thị trường được kiểm soát. Nó cũng bao hàm cả việc chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo (ORP).

3. Giai đoạn vốn hóa

Trong giai đoạn cuối này, việc thương mại hóa sản phẩm, qui trình hay dịch vụ mới được quản lí. Giai đoạn này giải quyết việc làm thế nào để tạo ra giá trị cho công ty từ những sáng tạo mới thực hiện.

Nó được chia làm ba bước trong đó văn hóa tác nghiệp xuất sắc là yếu tố then chốt: qui trình nhận biết đặt hàng (Order Realisation Process - ORP), qui trình nhận biết dịch vụ (Service Realisation Process - SRP) và sử dụng.

- Qui trình nhận biết đặt hàng (ORP): ở bước này, việc quản lí lưu lượng giao nhận sản phẩm liên tục và tuần hoàn được thực thi. Qui trình liên quan tới việc quản lí giao vận và sản xuất sản phẩm mới. Tích hợp với hệ thống giao vận và sản xuất của các sản phẩm hiện có là yếu tố quyết định trong việc tạo ra sự hiệp lực và lợi thế qui mô.

- Qui trình nhận biết dịch vụ (SRP): ở bước này, việc quản lí cung cấp các dịch vụ được thực hiện. Các dịch vụ mới phải được tích hợp vào qui trình dịch vụ hiện có.

- Sử dụng: bước cuối cùng của chu kì sáng tạo liên quan tới việc quản lí nguồn thu từ sản phẩm mới. Nó bao gồm việc duy trì liên tục lợi nhuận biên của sản phẩm. Giảm chi phí sản xuất và điều chỉnh nhỏ về sản phẩm là các cách duy trì lợi nhuận biên. Giai đoạn này kết thúc khi vòng đời của sản phẩm kết thúc.

Ứng dụng của chu kì sáng tạo

Chu kì sáng tạo có thể được sử dụng để quản lí các vòng đời của nhiều loại hình sáng tạo khác nhau mà không bỏ qua những khía cạnh phù hợp của quá trình sáng tạo.

Vì quá trình sáng tạo được chia thành nhiều giai đoạn liên tiếp, nhà quản lí có thể dễ dàng hướng sự chú ý vào đúng đối tượng trong suốt vòng đời của hoạt động sáng tạo.

Chu kì sáng tạo là một công cụ phân tích cho việc quản lí quá trình sáng tạo, cung cấp một cấu trúc giúp giám sát tính phức tạp vốn có của nó.

Chu kì thể hiện một quá trình liên tục, nhấn mạnh rằng sáng tạo không thể kết thúc vào cuối vòng đời sản phẩm. Sự kết thúc của một sản phẩm có thể kích thích mạnh mẽ cho các ý tưởng sản phẩm mới.

(Tài liệu tham khảo: Những mô hình quản trị kinh điển, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Đức Nhượng

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.