Chu kì kinh tế của chủ nghĩa tư bản (Capitalist Cycle) là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: english)
Chu kì kinh tế của chủ nghĩa tư bản
Khái niệm
Chu kì kinh tế của chủ nghĩa tư bản trong tiếng Anh được gọi là Capitalist Cycle.
Chu kì kinh tế của chủ nghĩa tư bản thường được biểu hiện lặp đi lặp lại từ một cuộc khủng hoảng kinh tế này đến cuộc khủng hoảng kinh tế khác.
Tính chu kì của kinh tế tư bản chủ nghĩa thể hiện sự phát triển tuần hoàn qua các giai đoạn: khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi, phồn vinh và lại khủng hoảng, v.v..
Trong mỗi cuộc khủng hoảng các mâu thuẫn của tái sản xuất được biểu hiện ra với sức mạnh tàn phá khác nhau phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế cụ thể trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau của nó.
Lịch sử của các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kì đã cho thấy tính qui luật của các cuộc khủng hoảng đối với chủ nghĩa tư bản, cũng như sự khác biệt đáng kể về chiều sâu và hình thức của chúng.
- Khủng hoảng nổ ra khi hàng hóa sản xuất ra không thể bán được, tồn kho, ứ đọng lớn, giá cả giảm mạnh. Tư bản đóng cửa nhà máy, đình chỉ sản xuất, công nhân thất nghiệp. Tư bản mất khả năng thanh toán các khoản nợ.
Tâm lí hoảng loạn, sự săn đuổi tiền mặt, việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng, bán tống bán tháo các cổ phiếu, trái phiếu làm trị giá của chúng giảm mạnh, thị trường chứng khoán hỗn loạn.
Tín dụng thương mại và ngân hàng thu hẹp, trong khi nhu cầu tín dụng tăng lên làm cho tỉ suất lợi tức tăng lên rất cao. Khủng hoảng đã phá huỷ nghiêm trọng lực lượng sản xuất xã hội, người lao động thất nghiệp đông đảo, đời sống hết sức khó khăn...
- Tiêu điều là giai đoạn tiếp sau khủng hoảng. Sản xuất ở trạng thái đình trệ, cân bằng được lập lại ở trạng thái thấp, giá cả hàng hóa ở mức thấp. Tiền nhàn rỗi nhiều vì không có nơi đầu tư, tỉ suất lợi tức giảm xuống.
Để thoát khỏi trì trệ, các nhà tư bản tìm cách tăng cường bóc lột lao động bằng cách hạ thấp tiền lương, tăng cường độ và thời gian lao động để giảm chi phí sản xuất và đổi mới tư bản cố định.
Những đầu tư mới làm tăng nhu cầu về tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Điều đó tạo điều kiện cho sự phục hồi chung của nền kinh tế.
- Phục hồi là giai đoạn tiếp nối với giai đoạn tiêu điều. Từ tiêu điều chuyển sang phục hồi nhờ đổi mới tư bản cố định, nền sản xuất dần dần trở lại trạng thái trước khủng hoảng. Công nhân lại được thu hút vào làm việc, giá cả hàng hóa tăng lên, lợi nhuận của tư bản cũng tăng lên.
- Phồn vinh là giai đoạn phát triển cao nhất của một chu kì kinh tế. Sản xuất mở rộng và phát triển vượt mức cao nhất của chu kì trước. Nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hóa tăng, giá cả hàng hóa tăng lên, số người lao động và tiền lương đều tăng lên.
Nhu cầu tín dụng tăng lên làm tỉ suất lợi tức tăng lên. Guồng máy kinh tế dường như hoạt động hết công suất. Điều kiện của một cuộc khủng hoảng mới cũng dần chín muồi.
Trong giai đoạn hiện nay của chủ nghĩa tư bản, do sự can thiệp của nhà nước tư sản, mặc dù không xoá bỏ được khủng hoảng kinh tế, nhưng làm cho nó có đặc điểm mới như:
+ Mức độ suy sụp của sản xuất và tác động phá hoại của khủng hoảng bị hạn chế, thời gian tồn tại và độ dài của thời kì suy sụp rút ngắn.
+ Xuất hiện những hình thức khủng hoảng mới như khủng hoảng cơ cấu (như các cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973), khủng hoảng tài chính, tiền tệ (điển hình là khủng hoảng tài chính - tiền tệ giữa năm 1997 ở ASEAN rồi lan sang Hàn Quốc, Nhật Bản), khủng hoảng môi trường, v.v..
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)