|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách kích cầu (Pump priming) là gì? Những tác động của chính sách kích cầu

10:39 | 03/10/2019
Chia sẻ
Chính sách kích cầu (tiếng Anh: Pump priming) là khoản chi tiêu của chính phủ được hoạch định để kích thích tổng cầu và thông qua hiệu ứng nhân tử, cơ chế tăng tốc để tạo ra mức gia tăng lớn hơn nhiều của thu nhập quốc dân.
global-leverage

Hình minh họa (Nguồn: solvencyiinews.com

Chính sách kích cầu

Khái niệm

Chính sách kích cầu trong tiếng Anh là Pump priming. 

Chính sách kích cầu là khoản chi tiêu của chính phủ được hoạch định để kích thích tổng cầu và thông qua hiệu ứng nhân tử, cơ chế tăng tốc để tạo ra mức gia tăng lớn hơn nhiều của thu nhập quốc dân. 

Khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, chính phủ không phải tăng chi tiêu đến mức đủ để bù lại mức thâm hụt sản lượng (chênh lệch giữa sản lượng tiềm năng và sản lượng thực hiện), mà chỉ cần tăng chi tiêu đến mức đủ để tạo ra làn sóng lạc quan trong nền kinh tế. Làn sóng lạc quan này sẽ làm cho khu vực tư nhân chi tiêu nhiều hơn và nền kinh tế tiến tới trạng thái cân bằng toàn dụng.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Những tác động của chính sách kích cầu đối với nền kinh tế Việt Nam

Tác động tích cực 

- Trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm bớt chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh và tăng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; giúp các ngân hàng cải thiện hoạt động huy động vốn và cho vay tín dụng của mình;

Một mặt không phải hạ thấp lãi suất huy động dễ gây giảm và biến động mạnh nguồn tiền gửi và huy động; mặt khác, mở rộng đầu ra nhờ không buộc phải nâng lãi suất cho vay dễ làm thu hẹp cầu tín dụng trên thị trường.

- Góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển xã hội cả hiện tại, cũng như tương lai. Nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ kịp thời của gói kích cầu đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội.

- Những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia được tài trợ từ gói kích cầu nếu thực hiện có hiệu quả sẽ có tác động tích cực đến việc tăng dòng vốn chảy vào và mở rộng thị trường đầu ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tác động tiêu cực

- Sự lạm dụng và sử dụng không hiệu quả các gói kích cầu sẽ có thể gây ra một số hậu quả, chẳng hạn, khi các dự án vay đầu tư có chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích, sẽ làm thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng "đầu cơ nóng" gây hệ quả xấu cho cả Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng và xã hội nói chung.

- Sử dụng không hiệu quả các gói kích cầu sẽ làm tổn hại đến sức cạnh tranh của nền kinh tế nếu việc cho vay thiên về qui mô và thành tích (tức là góp phần níu kéo, duy trì cơ cấu kinh tế, cũng như cơ cấu sản phẩm và thị trường kinh doanh lạc hậu, kém hiệu quả) đồng thời, làm gia tăng hoặc kéo dài tình trạng bất bình đẳng thị trường giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế và các địa phương nếu không tuân thủ tốt các nguyên tắc minh bạch và bình đẳng trong triển khai các gói kích cầu.

(Tài liệu tham khảo: Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN)

TH