|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chính sách chống độc quyền (Anti-trust) là gì? Các công cụ của chính sách chống độc quyền

10:38 | 03/10/2019
Chia sẻ
Chính sách chống độc quyền (tiếng Anh: Anti-trust) là khái niệm dùng để chỉ cơ sở pháp lí phục vụ cho việc kiểm soát sự gia tăng sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp lớn.
oligarhi%20parlament%202

Hình minh họa (Nguồn: arhiva.flux.md)

Chính sách chống độc quyền

Khái niệm

Chính sách chống độc quyền trong tiếng Anh là Anti-trust.

Chính sách chống độc quyền là khái niệm dùng để chỉ cơ sở pháp lí phục vụ cho việc kiểm soát sự gia tăng sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp lớn. 

Mục đích của chính sách chống độc quyền

Mục đích chung của chính sách chống độc quyền là khuyến khích cạnh tranh để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Mục tiêu cụ thể của chính sách này là đảm bảo cung ứng hàng hóa với chi phí thấp, giá cả và lợi nhuận hợp lí, chất lượng sản phẩm tốt và có trình độ công nghệ cao. 

Vì vậy, chính sách chống độc quyền bao quát nhiều lĩnh vực, trong đó có quá trình độc quyền hóa thị trường bởi một nhà cung cấp duy nhất, quá trình tạo ra địa vị độc quyền thông qua thôn tính, sáp nhập, hợp nhất, câu kết và các thủ đoạn chống cạnh tranh khác.

Các công cụ của chính sách chống độc quyền

Chính sách chống độc quyền có thể được thực hiện theo luật – tức dựa trên một đạo luật chống độc quyền – hay chính sách tùy nghi. Chính sách theo luật bao gồm các công cụ sau:

- Qui định tỉ phần tối đa

Chẳng hạn 20% dung lượng thị trường, nhằm hạn chế mức độ tập trung người bán và ngăn ngừa khả năng xuất hiện nhà cung cấp độc quyền. Như vậy theo qui định này, các trường hợp sáp nhập hoặc hợp nhất dẫn tới tỉ phần của một doanh nghiệp cao hơn 20% đương nhiên bị cấm.

- Cấm hoàn toàn tất cả các hình thức thỏa thuận nhằm qui định giá (các-ten), phân chia thị trường và các thủ đoạn tương tự.

- Cấm hoàn toàn một số thủ đoạn được áp dụng để làm suy giảm hay loại trừ cạnh tranh, ví dụ chỉ kinh doanh với một số người, cự tuyệt không cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ cho một số người.

Chính sách tùy nghi ngược lại áp dụng phương pháp thực dụng hơn. Nó thừa nhận rằng trong một số trường hợp, việc tập trung người bán và một số thỏa thuận giữa các công ty không những không cản trở, mà còn góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế. Vì vậy, cơ quan chống độc quyền xem xét từng trường hợp cụ thể để kết luận rằng những hành vi như sáp nhập, thỏa thuận có lợi hay có hại, từ đó quyết định có cấm hay không.

Mỹ và lục địa châu Âu chủ yếu áp dụng chính sách theo luật, còn Anh chủ yếu áp dụng chính sách tùy nghi. Song dù áp dụng loại chính sách nào, thì triết lí của chính quyền đương nhiệm và tòa án tối cao cung có ảnh hưởng lớn tới tính chất nghiêm khắc của chính sách độc quyền.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân)

TH