|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược vạc dầu là gì? Vai trò và yêu cầu

14:29 | 09/06/2020
Chia sẻ
Trong chiến lược vạc dầu, doanh nghiệp tạo nên một sự thay đổi đột phá và sâu rộng trong toàn bộ doanh nghiệp. Tên gọi của chiến lược này thể hiện tình huống nước sôi lửa bỏng mà doanh nghiệp phải đối mặt khi buộc phải đổi mới.
Chiến lược vạc dầu là gì? Vai trò và yêu cầu - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: dribbble)

Chiến lược vạc dầu

Khái niệm

Chiến lược vạc dầu tạm dịch sang tiếng Anh là Cauldron Strategy.

Chiến lược vạc dầu là một trong các chiến lược đổi mới khi phân loại chiến lược đổi mới của doanh nghiệp theo phong cách quản trị.

Trong chiến lược vạc dầu, doanh nghiệp tạo nên một sự thay đổi đột phá và sâu rộng trong toàn bộ doanh nghiệp. Tên gọi của chiến lược này thể hiện tình huống nước sôi lửa bỏng mà doanh nghiệp phải đối mặt khi buộc phải đổi mới, nó thể hiện cường độ mạnh mẽ cũng như tốc độ nhanh chóng của chiến lược vạc dầu.

Có lẽ chiến lược đổi mới theo phong cách quản trị này có tính thách thức cao nhất và mang tính khởi nghiệp năng động nhất, vì vậy nó được gắn với cái tên "vạc dầu".

Vai trò

Nhiều chương trình đổi mới thành công bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng. Tình huống "đổi mới hay là chết" đã xảy ra ở nhiều công ty, lớn cũng như nhỏ, khi cần có một sự thức tỉnh gay gắt mới có thể giúp doanh nghiệp bước vào sự đổi mới cần thiết. 

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, việc thay đổi mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp là gần như không thể tránh khỏi. 

Khi kinh tế trì trệ, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn thì việc điều chỉnh hay thay đổi mô hình kinh doanh có thể giúp phá vỡ bế tắc, thậm chí còn tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

Ví dụ, đầu những năm 1990, khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo IBM quyết định chuyển hướng. 

Từ chỗ là nhà cung cấp phần cứng và máy chủ, IBM bắt đầu tung ra hàng loạt những dịch vụ mới như tư vấn giải pháp tin học cho doanh nghiệp. Đến năm 2009, hơn 1/2 doanh thu của IBM đến từ những dịch vụ trước đó chưa hề xuất hiện ở tập đoàn này.

Yêu cầu

Vai trò lãnh đạo và dẫn dắt của người đứng đầu doanh nghiệp là hết sức quan trọng để có thể triển khai thành công chiến lược vạc dầu. Bởi sự đổi mới ở đây không đơn thuần là đổi mới về công nghệ và thị trường, mà còn là sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và văn hoá doanh nghiệp. 

Đôi khi, người lãnh đạo phải đưa ra các quyết định khắc nghiệt và cứng rắn, liên quan đến việc sa thải nhân sự, loại bỏ những khoản dư thừa và bộ phận không cần thiết. 

Bên cạnh đó, người lãnh đạo cần biết kết hợp với các biện pháp mềm dẻo để xây dựng lòng tin giữa cấp quản với nhân viên, xây dựng môi trường văn hoá có thể phát huy tối đa năng lực đổi mới và mức độ tham gia cao của tất cả mọi người.

Thời điểm triển khai

Chiến lược vạc dầu cần được triển khai vào các thời điểm sau:

- Khi doanh nghiệp đánh mất dần ưu thế cạnh tranh;

- Khi công nghệ của ngành có những sự thay đổi rõ rệt;

- Khi xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi.

Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp cần xem xét tất cả các yếu tố của môi trường kinh doanh, trước khi quyết định chiến lược đổi mới theo định hướng nào và vào thời điểm nào. 

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng như kinh tế và thị trường trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp xem xét và điều chỉnh lại chiến lược đổi mới hiện tại của mình là cần thiết. 

Nếu doanh nghiệp nhận ra rằng mình cần thực hiện việc đổi mới, có thể tham khảo theo 3 chữ A:

- Phân tích (Analyze): Bên cạnh việc mở rộng tầm nhìn ra ngoài để phát hiện các mối đe doạ và tìm kiếm cơ hội, nhà quản trị phải phân tích năng lực cốt lõi của mình, điều kiện tài chính và nguồn lực nhân sự... để tìm ra những khía cạnh cần thay đổi đột phá.

- Sắp xếp (Align): Quá trình đổi mới không tránh khỏi việc phải thay đổi cơ cấu tổ chức và sắp xếp lại nhân sự. Qui mô và cơ cấu của các đơn vị kinh doanh cũng thường bị thay đổi theo, một số bộ phận hoặc dự án có thể bị loại bỏ hoặc gom lại. Việc sắp xếp và tái cấu trúc không hề dễ dàng và không phải lúc nào cũng có được giải pháp tưởng.

- Thích nghi (Adapt): Đổi mới có thể gây ra căng thẳng và đẩy nhiều bộ phận, nhiều cá nhân vào hoàn cảnh chịu sức ép và thách thức, nhà quản tốt cần tạo điều kiện để giúp họ vượt qua khó khăn, thích nghi với môi trường đổi mới và đóng góp nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. 

Các qui trình và công nghệ mới cần được điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với cơ sở vật chất - kĩ thuật và trình độ chuyên môn trong doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Các loại hình chiến lược đổi mới, IPP, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)

Diệu Nhi