|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu (Global area division structure) là gì?

16:20 | 18/09/2019
Chia sẻ
Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu (tiếng Anh: Global area division structure) là cấu trúc tổ chức trong đó toàn bộ các hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp được tổ chức theo nước hay theo khu vực.
worldwide-connection_53876-90461

Hình minh hoạ (Nguồn: freepik)

Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu 

Khái niệm

Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu trong tiếng Anh được gọi là Global area division structure.

Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu là một trong những loại cấu trúc tổ chức phân công theo chiều ngang phổ biến nhất được các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế lựa chọn và áp dụng.

Phân công theo chiều ngang là việc chia một tổ chức thành các đơn vị nhỏ hơn (như các bộ phận kinh doanh, các phòng ban, các chi nhánh). Có nhiều cách khác nhau để các doanh nghiệp tổ chức và thực hiện các hoạt động kinh doanh quốc tế. 

Cấu trúc khu vực địa lí toàn cầu là cấu trúc tổ chức trong đó toàn bộ các hoạt động toàn cầu của doanh nghiệp được tổ chức theo nước hay theo khu vực. 

Nếu doanh nghiệp càng hoạt động ở nhiều nước thì khả năng doanh nghiệp được tổ chức theo khu vực cũng càng lớn thay cho việc tổ chức theo nước. Thông thường, một nhà quản trị được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động ở mỗi nước hoặc mỗi khu vực. 

Theo cấu trúc này, mỗi bộ phận theo khu vực địa lí hoạt động như là một đơn vị độc lập, với hầu hết các quyết định được đưa ra bởi người phụ trách khu vực hoặc quốc gia. 

Mỗi đơn vị có các phòng ban riêng như phòng cung ứng, sản xuất, marketing và bán hàng, nghiên cứu và phát triển, kế toán... 

Mỗi đơn vị có xu hướng thực hiện hầu hết công tác lập kế hoạch chiến lược của riêng mình. Trụ sở chính đưa ra các quyết định về chiến lược tổng thể của doanh nghiệp và phối hợp các hoạt động của các cơ sở khác nhau.

Đối tượng áp dụng

Cấu trúc theo khu vực địa là phù hợp nhất đối với các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược đa quốc gia coi mỗi thị trường khu vực hay quốc gia là duy nhất. 

Ưu và nhược điểm

- Ưu điểm

Cấu trúc này đặc biệt có ích khi giữa các quốc gia hay các khu vực có sự khác biệt lớn về văn hoá, chính trị hay kinh tế. 

Khi những người phụ trách khu vực hoặc quốc gia được trao quyền ra quyết định trong chính môi trường hoạt động của họ thì họ sẽ trở thành các chuyên gia hiểu biết sâu về nhu cầu của các khách hàng.

- Nhược điểm

Tuy nhiên, cấu trúc khu vực địa toàn cầu có thể dẫn đến việc phân bổ nguồn lực và các hoạt động có thể bị trùng lặp, làm gia tăng chi phí. 

Hơn nữa cấu trúc này có thể gây chia rẽ giữa các bộ phận địa , sự hợp tác chiến lược, chuyển giao kĩ năng, kiến thức giữa các bộ phận đó rất hạn chế.

(Tài liệu tham khảo: Kinh doanh quốc tế, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi