|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cải cách thể chế kinh tế (Economic institutional reforms) là gì?

11:39 | 20/05/2020
Chia sẻ
Cải cách thể chế kinh tế là một trong những quá trình cần thực hiện nhằm làm đòn bẩy hữu hiệu để phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
Cải cách thể chế kinh tế (Economic institutional reforms) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Currentreviewlive)

Cải cách thể chế kinh tế

Khái niệm

Cải cách thể chế kinh tế trong tiếng Anh gọi là: Economic institutional reforms.

Thể chế kinh tế là một hệ thống các qui phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các chủ thể kinh tế, các hành vi sản xuất - kinh doanh và các quan hệ kinh tế.

Bao gồm các yếu tố chủ yếu là các đạo luật, qui chế, qui tắc, chuẩn mực về kinh tế gắn với các chế tài về xử lí vi phạm, các tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lí nhà nước về kinh tế, truyền thống văn hóa và văn minh kinh doanh, cơ chế vận hành nền kinh tế.

Từ khái niệm thể chế kinh tế, có thể hiểu “Cải cách thể chế kinh tế” tức là thay đổi cách quản lí, thay đổi cơ chế quản trị, cơ chế sử dụng, sở hữu để tạo ra động lực đột phá, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Cải cách thể chế kinh tế là chuyển đổi về đường lối, phương hướng để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Sự cần thiết của cải cách thể chế kinh tế tại Việt Nam

Lịch sử phát triển các khuôn khổ thể chế kinh tế thế giới cho thấy cải cách thể chế kinh tế đã thúc đẩy sự thay đổi về kinh tế của các quốc gia. Thể chế kinh tế là một trong các trụ cột quan trọng bảo đảm cho hệ thống chính trị ổn định và phát triển, là cơ sở bảo đảm cho các thể chế khác cùng tồn tại và phát triển.

Sau 30 năm thực hiện cải cách, những khuyết tật, yếu kém của thể chế kinh tế đang bộc lộ. Nay chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tạo ra động cơ và động lực mới cho phát triển.

Thực tiễn đang đòi hỏi phải có một thể chế kinh tế mới phù hợp hơn, năng động và hiệu quả hơn, có khả năng khơi dậy động lực cho phát triển kinh tế, khuyến khích mọi người trong xã hội hăng say làm kinh tế, khuyến khích con người sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho mình và cho xã hội.

Động lực phát triển kinh tế bền vững

Cải cách thể chế kinh tế hướng đến hoàn thiện kinh tế thị trường có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cải cách thể chế kinh tế là yếu tố then chốt để tạo động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sớm đưa nước Việt Nam thoát ra nhóm nước thu nhập trung bình thấp, bắt nhịp với dòng chảy chung của thế giới.

Như vậy, cải cách thể chế kinh tế là yêu cầu khách quan và vô cùng cấp thiết mang tính chiến lược nhằm khơi dậy và giải phóng các tiềm năng của đất nước đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

(Tài liệu tham khảo: Vai trò cải cách thể chế kinh tế - Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính động lực cho phát triển kinh tế bền vững, ThS. Trần Thị Thanh Thu, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...