Công nghiệp hóa (Industrialization) là gì? Các loại hình công nghiệp hóa
Hình minh họa (Nguồn: img.vietnamfinance.vn)
Công nghiệp hóa
Khái niệm
Công nghiệp hóa trong tiếng Anh là Industrialization.
Theo nghĩa hẹp, công nghiệp hóa (Industrialization) được hiểu là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang nền kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, từ chỗ tỉ trọng lao động nông nghiệp chiếm đa số giảm dần và nhường chỗ cho lao động công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn hơn.
Theo nghĩa rộng, công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
Các loại hình công nghiệp hóa
Đến nay, công nghiệp hóa đã được thực hiện dưới nhiều hình thức và mô hình khác nhau, nhưng nhìn chung có thể chia thành hai loại hình lớn:
Loại hình thứ nhất là công nghiệp hóa kiểu truyền thống bao gồm: công nghiệp hóa cổ điển diễn ra ở các nước phương Tây từ cuối thế kỉ XVIII cho đến giữa thế kỉ XX thì đã được hoàn thành ở một số nước và công nghiệp hóa dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung ở các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỉ XX.
Loại hình thứ hai là công nghiệp hóa kiểu mới được tiến hành từ những năm 60 của thế kỉ trước đến nay còn đang tiếp diễn.
Rút kinh nghiệm từ những mặt tiêu cực và trở ngại của loại hình công nghiệp hóa cổ điển và những thành công của con đường công nghiệp hóa mới ở một số nước đi sau, các nhà chiến lược công nghiệp hóa của nhiều nước hiện nay đang nghiên cứu và thực hiện một loại hình công nghiệp hóa kiểu mới, vừa rút ngắn thời gian vừa gắn kết với yêu cầu của nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức, và đòi hỏi của thời đại phát triển bền vững.
Yêu cầu đối với công nghiệp hóa kiểu mới ở mỗi nước có thể đề ra khác nhau, song nói chung không ngoài mấy điểm sau:
- Khắc phục càng nhiều càng tốt những nhược điểm của công nghiệp hóa cổ điển (thời gian kéo dài, bất công xã hội, lãng phí vật chất, hủy hoại môi trường).
- Gắn kết công nghiệp hóa với hiện đại hóa, phát triển song song kinh tế và công nghệ, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ cao, tiếp cận kinh tế tri thức.
- Phát triển bền vững, coi trọng cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Công nghiệp hóa ở một số nước và Việt Nam
Ở Trung quốc, công nghiệp hóa kiểu mới được hiểu là "hàm lượng khoa học kĩ thuật cao, hiệu ích kinh tế tốt, tiêu hao tài nguyên thấp, ô nhiễm môi trường ít, phát huy đầy đủ ưu thế tài nguyên nhân lực" (Văn kiện Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2002). Nhiều nước khác đã hoàn thành công nghiệp hóa, nay cũng đề ra chiến lược phát triển bền vững, cũng có ý nghĩa là khắc phục những nhược điểm còn tồn tại của quá trình công nghiệp hóa cổ điển.
Ở nước ta, con đường công nghiệp hóa không thể theo loại hình truyền thống với những tồn tại và bất cập nêu trên. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng nêu ra công thức "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" và Văn kiện Đại hội IX đặt vấn đề "công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" là thể hiện sự lựa chọn công nghiệp hóa kiểu mới. Đến nay, có thể hình dung ra những đặc điểm công nghiệp hóa của chúng ta như sau:
- Công nghiệp hóa phải rút ngắn thời gian, phát triển nhanh để sớm đuổi kịp trình độ của các nước.
- Công nghiệp hóa gắn kết với hiện đại hóa, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tiếp cận kinh tế tri thức.
- Phát triển kinh tế song song với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm công bằng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Phát triển bền vững, gìn giữ và cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Đó cũng là mục tiêu và phương thức công nghiệp hóa của nước ta.
(Tài liệu tham khảo: Tạp chí Cộng Sản)